Hà Nam tích cực xây dựng mã số vùng trồng nông sản

BVR&MT – Thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp tỉnh Hà Nam đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thực hiện các tiêu chuẩn về điều kiện canh tác để được cấp mã số vùng trồng, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Trồng rau sạch tại Hợp tác xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý.

Xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp nâng cao giá trị của nhiều loại cây trồng, tạo điều kiện thuận lợi khi tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn có tác động, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn.

Xác định rõ tầm quan trọng và những lợi ích của mã số vùng trồng mang lại cho người sản xuất và người tiêu dùng, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã cấp mã số cho 128 ha cây trồng các loại tại những vùng sản xuất đạt các tiêu chí theo yêu cầu.

Nâng cao giá trị nông sản

Năm 2022, sản phẩm nho của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Ðồng Du, xã Ðồng Du, huyện Bình Lục được cấp mã số vùng trồng. Ðể được cấp mã số vùng trồng, ngay từ khi triển khai mô hình, hợp tác xã đã chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh cho nho được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học.

Ông Phạm Văn Ðức, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Ðồng Du, huyện Bình Lục chia sẻ: Trước kia, chưa có mã số vùng trồng thì nho của chúng tôi dù bảo đảm chất lượng, nhưng khi đưa ra thị trường vẫn khó cạnh tranh, giá bán thấp hơn, bởi thị hiếu người tiêu dùng bây giờ cũng được nâng cao và có nhiều sự lựa chọn. Nhưng khi đăng ký sản xuất theo cấp mã số vùng trồng, tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, khi bán ra thị trường mọi người biết đến cây nho có truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ thuận lợi hơn.

Là người tâm huyết và gắn bó nhiều năm với cây trồng, ông Nguyễn Văn Phóng, chủ nông trại Happy Farm, xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên, đã xây dựng được hơn 3 ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ được chứng nhận 5 năm liền, được cấp mã số vùng trồng năm 2022. Khi được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm nhanh chóng được đưa lên hệ thống thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, được người tiêu dùng cả nước biết đến và tin tưởng do dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Ông Phóng cho biết: Khi được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm của chúng tôi được truyền thông tốt hơn, việc tương tác và giám sát chặt chẽ hơn, đầu ra ổn định và giá bán cũng tốt hơn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, đến nay, tỉnh đã cấp được 26 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 128 ha, trong đó có 10 vùng trồng lúa, 7 vùng cây ăn quả, 5 vùng rau quả tươi, 3 vùng ngô và 1 vùng cây hằng năm.

Ðể bảo đảm việc duy trì các yếu tố kỹ thuật đã đạt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương kiểm tra định kỳ các vùng trồng đã được cấp mã số. Vùng trồng bưởi ở tổ dân phố Du Long, phường Châu Giang (thị xã Duy Tiên) có tổng diện tích hơn 70 ha, trong đó 13,5 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được ngành nông nghiệp triển khai cấp mã vùng trồng. Theo người trồng bưởi ở tổ dân phố Du Long, cây bưởi của địa phương phù hợp với thổ nhưỡng, được trồng đúng tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cho quả ngon, được người tiêu dùng tin tưởng, cho nên khi có chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã số vùng trồng, quả bưởi ở đây được người tiêu dùng đón nhận, giúp người dân mở rộng thêm thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm.

Từ vụ đông năm 2022, vùng trồng ngô nếp HN88 tại cánh đồng Cửa Huỳnh, Ðồng Hóp của xã Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng) có quy mô tập trung, với diện tích 5 ha sản xuất theo quy trình và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng. Khi diện tích ngô nếp HN88 được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm được giới thiệu đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, có tem nhãn, đưa lên hệ thống thương mại điện tử được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, giá bán cao hơn.

Thiết lập và quản lý cấp mã số vùng trồng

Ðể được cấp mã số vùng trồng, quá trình sản xuất các sản phẩm cây trồng cần bảo đảm các yêu cầu như: Bảo đảm có quy trình kiểm soát được sinh vật gây hại ở mức độ thấp và được cấp phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu; vùng trồng phải được kiểm tra và cấp mã số lần đầu trước thời điểm thu hoạch; vùng trồng phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và bảo đảm giảm thiểu sinh vật gây hại, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; có sổ nhật ký đồng ruộng, ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ sản xuất…

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hà Nam, Nguyễn Hải Nam cho biết: Chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra định kỳ sau khi cấp, bảo đảm duy trì các nội dung đã cấp. Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Chi cục tiếp tục triển khai mạnh công tác tập huấn để bà con nông dân thấy rõ được giá trị, ý nghĩa của việc được cấp mã số vùng trồng. Cùng với đó, việc thiết lập quản lý và cấp mã số vùng trồng được tỉnh tổ chức kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, thực hiện cấp mới cho các vùng trồng đủ điều kiện.

Tuy vậy, ở một số nơi, nhận thức của người sản xuất về mã số vùng trồng và lợi ích của việc tuân thủ quy định trong sản xuất còn khá mơ hồ. Hiện nay việc áp dụng công nghệ thông tin với các địa chỉ đề nghị cấp vẫn còn hạn chế, do chủ thể được cấp chủ yếu là nông dân, việc tích hợp thông tin điện tử trên máy tính hay trên điện thoại đều gặp khó khăn.

Ðể bảo đảm vùng trồng được cấp mã số phù hợp điều kiện thực tế và nâng cao hiệu quả mã số vùng trồng, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đã giao cho Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tổ chức triển khai 55 lớp tập huấn cấp huyện, hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng cho gần 3.500 lượt cán bộ chuyên môn và nông dân các xã trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố tham gia.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, Trương Quốc Hưng cho biết: Ðể xây dựng hiệu quả mã số vùng trồng, cùng với ngành nông nghiệp, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực thực hiện công tác cấp, quản lý và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số. Chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, thúc đẩy và kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên; bố trí nguồn lực tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho người dân, doanh nghiệp về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan. Ðối với người sản xuất nên tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, theo dõi, giám sát và xử lý các loại sâu bệnh. Cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc, đầu tư trang thiết bị để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu.

Trong bối cảnh hiện nay, sự cạnh tranh của các mặt hàng nông sản ngày càng tăng và bên cạnh chất lượng, vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm… ngày càng trở nên quan trọng. Ðăng ký mã số vùng trồng là một cơ sở quan trọng để khẳng định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản, qua đó, xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín trên thị trường.