Hà Nam thống nhất chủ trương thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc Mông trắng

BVR&MT – Hội nghị tham vấn về việc xác lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc Mông trắng thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam tổ chức vào sáng 10/01/2019 đã thống nhất chủ trương thiết lập khu bảo tồn cho loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam theo phương án rộng nhất và bao quát nhất có thể.

Hội nghị được tiến hành dưới sự chủ trì của ông Trương Minh Hiền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tỉnh tỉnh Hà Nam cùng đầy đủ đại diện ban, ngành trong tỉnh, các đơn vị tư vấn cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn.

 

Theo nghiên cứu của Tổ chức Động thực vật quốc tế (FFI), tính đến năm 2018, khu vực rừng thuộc huyện Kim Bảng ghi nhận có tới 13 đàn với 73 cá thể Voọc Mông trắng. Sau khu Vân Long ở tỉnh Ninh Bình, đây là quần thể lớn thứ hai của loài linh trưởng quý hiếm, đặc hữu của riêng Việt Nam nhưng cũng là loài bị đe dọa ở mức “Cực kỳ nguy cấp” trong Danh lục đỏ quốc tế IUCN. Vì vậy, việc bảo tồn loài Voọc này có ý nghĩa lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn với cộng đồng thế giới.

Ngày 18/5/2017, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Công văn số 1265/UBND-NN&TNMT về chủ trương xây dựng đề án thành lập Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc Mông trắng tại huyện Kim Bảng.

Theo báo cáo đánh giá của đơn vị tư vấn là Viện điều tra quy hoạch rừng, khu vực rừng nơi có các đàn Voọc Mông trắng sinh sống ở huyện Kim Bảng nằm trên phạm vi của thị trấn Ba Sao, xã Liên Sơn và Thanh Sơn. Sinh tồn của quần thể Voọc này hiện đang chịu tác động trực tiếp từ hoạt động khai thác đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng với quy mô lớn trong khu vực. Ngoài ra, nạn săn bắt, đặt bẫy cũng đe dọa đáng kể đến sự tồn vong của quần thể Voọc. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ cũng làm suy giảm chất lượng sinh cảnh vốn rất hạn chế của các đàn Voọc.

Trên cơ sở đánh giá đối chiếu với các tiêu chí cho việc thiết lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh theo quy định của pháp luật hiện hành, Nhóm tư vấn đã đưa ra hai phương án bao gồm: Phương án thứ nhất có diện tích khoảng 1.821,1 ha, không bao gồm những diện tích rừng đã được cấp phép hay quy hoạch cho khai thác đá khoáng sản. Phương án thứ hai có diện tích 2.438,3 ha, bao gồm cả các diện tích chưa bị khai thác lấy đá cho tới thời điểm hiện tại.

Sau khi các đại biểu trao đổi, thảo luận, ông Trương Minh Hiền đã tổng kết, thống nhất chủ trương xác lập một khu bảo tồn loài và sinh cảnh cho loài Voọc mông trắng ở huyện Kim Bảng. Ông Hiền đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp các sở, ban, ngành tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện đề án thiết lập khu bảo tồn theo phương án thứ hai trên cơ sở bám sát các tiêu chí của chính phủ, thậm chí xem xét các khả năng mở rộng diện tích khu bảo tồn sang địa bàn liền dải của tỉnh Hòa Bình nếu cần. Giao Sở NN&PTNT là cơ quan đầu mối phối hợp với Nhóm tư vấn để hoàn thiện đề án.

Riêng Sở Xây dựng cần tiếp tục cập nhật thông tin để hoàn thiện kiến nghị gửi lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo hướng các doanh nghiệp đã và đang hoạt động tại khu vực mà ảnh hưởng đến bảo tồn thì kiến nghị dừng hoạt động, đồng thời có cơ chế hỗ trợ di dời. Với những doanh nghiệp đã được cấp phép hoặc nằm trong quy hoạch nhưng chưa cấp phép thì cũng đề nghị dừng hoạt động.

Vị Phó Chủ tịch tỉnh đặc biệt nhấn mạnh việc hình thành khu rừng đặc dụng tại huyện Kim Bảng hoàn toàn phù hợp với chủ trương chung của tỉnh về phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, đồng thời nó không đi ngược, thậm chí còn giúp thêm cho quy hoạch chung của tỉnh về phát triển du lịch dịch vụ ở khu vực huyện Kim Bảng.

Minh Xuân