Hà Nam: Cá lăng tiêu thụ chậm, người nuôi cá lồng trên sông Hồng gặp khóa

BVR&MT – Anh Trần Văn Sản, người nuôi cá lồng trên sông Hồng thuộc xã Phú Phúc (Lý Nhân) chia sẻ: Đây là giai đoạn khó khăn nhất của nghề nuôi cá lồng trên sông Hồng. Cá sản xuất ra tiêu thụ rất chậm, giá giảm sâu so với trước. Hơn nữa, nuôi cá mùa này nguy cơ rủi ro rất lớn và luôn tiềm ẩn do sản xuất trên sông nước chịu tác động trực tiếp từ thiên tai bão, lũ…

Được biết, anh Trần Văn Sản có 40 lồng nuôi cá trên sông Hồng. Trong đó, riêng cá lăng được sản xuất chủ lực với 30 lồng, còn lại là các loại cá khác. Từ đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ cá lăng thương phẩm gặp nhiều khó khăn. Lượng cá của gia đình anh bán ra rất chậm, chỉ bằng 10% so với trước đây, mỗi tháng chỉ xuất khoảng 3 tấn và rải rác, không tập trung. Giá bán cá lăng cũng giảm trên 20%, chỉ còn ở mức hơn 50 nghìn đồng/kg. Hiện nay, lượng cá lăng đến tuổi xuất bán trong các lồng nuôi của anh còn khoảng 50 – 60 tấn. Trước đây cá lăng được anh đưa đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố cho các nhà hàng, quán ăn lớn, kể cả vào các khu du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An)… Hiện nay các nhà hàng, khu du lịch đều đóng cửa, tiệc cưới, gặp mặt hạn chế… dẫn đến đầu mối tiêu thụ gần như không còn. Theo anh Trần Văn Sản, cá không bán được vẫn phải đầu tư lượng lớn thức ăn dẫn đến kinh tế gia đình gặp khó khăn.

Lồng nuôi cá lăng trên sông Hồng của hộ gia đình anh Trần Văn Sản, xã Phú Phúc (Lý Nhân).

Cũng như anh Trần Văn Sản, người nuôi cá lồng trên sông Hồng của tỉnh đang gặp khó khăn lớn. Thời gian này khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường cá lăng gần như bị “đóng băng” không tiêu thụ được. Nhóm hộ của anh Trần Quang Huy, xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) có tổng số 140 lồng nuôi cá trên sông Hồng. Trong đó, cá lăng được nuôi 100 lồng, với sản lượng hiện có 300 tấn và 60% trong số đó đã đến thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, hơn 2 tháng nay các hộ nuôi không xuất được cá do các đầu mối lớn đều dừng thu mua.

Thực tế, vẫn có các đơn hàng số lượng nhỏ khoảng 200 – 400 kg nhưng các hộ không thể bán do khai thác ít ảnh hưởng đến lượng lớn cá còn lại trong lồng nuôi. Trong khi đó, giá thức ăn cho cá từ đầu năm đến nay tăng 3 lần lên khoảng 40% đang ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất.

Anh Trần Quang Huy cho biết: Cá không bán được để lại trong lồng rất lo do hiện nay đang là mùa mưa, lũ, bão. Nguy cơ về dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước có thể gây chết cá trong các ô lồng nuôi rất lớn. Các hộ nuôi cá lồng trên sông Hồng đang cố gắng duy trì hy vọng dịch Covid-19 sớm được kiểm soát để thị trường ổn định trở lại.

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi – Thủy sản (Sở NN & PTNT), hiện nay dọc theo tuyến sông Hồng thuộc địa bàn thị xã Duy Tiên và huyện Lý Nhân có tổng số 590 lồng nuôi cá, với thể tích 63.720 m3. Trong đó, cá lăng được nuôi chủ lực chiếm 60 – 70% số lồng, cho sản lượng rất lớn, hàng nghìn tấn. Cá lăng được tiêu thụ hoàn toàn dựa vào thị trường tự do, chủ yếu qua các đầu mối thu mua đưa vào các khu du lịch, nhà hàng, tiệc cưới… Việc không tiêu thụ được sản phẩm cá lăng đang là khó khăn rất lớn đối với người nuôi cá lồng trên sông Hồng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thủy sản cho biết: Trong điều kiện khó tiêu thụ sản phẩm, trước tiên các hộ nuôi cá lồng trên sông Hồng, các hộ sản xuất cần phải tăng cường công tác bảo vệ chờ thị trường ổn định trở lại.

Trước tình hình khó khăn thị trường tiêu thụ cá lăng, ngành nông nghiệp đã nắm bắt tình hình, khuyến cáo và hướng dẫn người nuôi cá lồng các biện pháp bảo vệ. Theo đó, để phòng chống bão, lũ, người dân cần neo buộc lại hệ thống lồng bè chắc chắn. Đồng thời, gia cố phần mũi bè phía thượng lưu ngăn gỗ trôi va trực tiếp vào lồng khi có lũ lớn để hạn chế thiệt hại trong giai đoạn cá còn số lượng lớn trong lồng.

Nuôi cá lồng trên sông Hồng được xác định là hướng phát triển thủy sản hiệu quả. Một lồng cá có diện tích 36 m2 cho năng suất tương đương 1 ha nuôi theo phương pháp truyền thống trong ao, đầm. Việc bảo vệ tốt đàn cá lăng hiện nay giúp người dân duy trì và phát triển sản xuất trong thời gian tới.