Hà Giang: Trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn

BVR&MT –  Việc trồng cây xanh, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tại huyện Mèo Vạc được kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng về nước sinh hoạt, đất sản xuất cho người dân vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hưởng ứng Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh – Vì một Việt Nam xanh, vừa qua, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã phát động chiến dịch trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn Mèo Vạc.

Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ được triển khai trong vòng 5 năm (từ 2021-2025).

Địa điểm trồng cây, trồng rừng tại các khu vực đất quy hoạch trồng rừng; đất nương rẫy bỏ trống; đồi núi trọc; các khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt; ven sông, suối; xung quanh khuôn viên các Trường học; các tuyến đường nông thôn, liên thôn, liên xã…

Các loại cây được trồng bao gồm cây lâm nghiệp: Sa Mộc, Tống Quáng Sủ, Keo, Mỡ, Trẩu, Hồi, Quế, Giổi, Gạo, Sấu, Sơn Tra (Táo Mèo), Trám, Sở, Kháo Cài, Mác Rạc, Thông đỏ; cây ăn quả: Lê, Mận, Đào, Hồng không hạt, Óc chó.

Mèo Vạc là huyện vùng cao thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn – Công viên địa chất toàn cầu; có đồi núi hiểm trở, độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh, độ cao trung bình so với mặt nước biển là 1.150m. Vào mùa khô, tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân kéo dài khoảng 5-6 tháng, bắt đầu từ cuối tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện Mèo Vạc có tổng 20.500 hécta rừng (bao gồm rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, rừng trồng), tỷ lệ che phủ rừng đạt 35,4%.

Sau khi trồng cây, trồng rừng, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiệm thu, ký biên bản bàn giao cho Ủy ban Nhân dân xã, huyện quản lý, theo dõi, chăm sóc và bảo vệ.

Lễ ký kết trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn Mèo Vạc. (Ảnh: Bộ TNMT cung cấp)

Ông Hồng Mí Sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mèo Vạc nhấn mạnh việc trồng cây xanh, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn là hết sức cấp thiết để giảm bớt gánh nặng về nước sinh hoạt, đất sản xuất cho người dân trên địa bàn toàn huyện; góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững cho người dân vùng cao biên giới.

“Tôi tin tưởng rằng khi dự án được triển khai sẽ góp phần tích cực, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn toàn huyện về công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái,” ông Sinh chia sẻ./.