BVR&MT – Xã Đức Xuân (Bắc Quang), có diện tích tự nhiên là 6.255,09 ha; diện tích rừng tự nhiên có 4.458,1 ha. Toàn xã có 534 hộ với 2.573 nhân khẩu, phần đông là đồng bào Mông, Dao, Tày sinh sống tại 8 thôn bản. Hiện Đức Xuân còn 333 hộ nghèo, chiếm quá nửa dân số toàn xã.
Xã Đức Xuân là địa phương có trên 3.700 ha diện tích rừng tự nhiên nguyên sinh lớn nhất trong huyện. Các nhà khoa học đánh giá, rừng nguyên sinh ở Đức Xuân có giá trị rất lớn về đa dạng sinh học với nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm. Gìn giữ và bảo tồn rừng nguyên sinh Đức Xuân là công việc cấp bách dành cho nghiên cứu khoa học, nhằm phục vụ cuộc sống lâu dài, bền vững. Mấy năm gần đây, công tác giữ và bảo vệ rừng (BVR) ở Đức Xuân luôn là vấn đề thời sự. Trong 9 tháng của năm 2021, Đức Xuân có 10 vụ vi phạm lâm luật được phát hiện. Các vụ vi phạm khai thác gỗ rừng tự nhiên nguyên sinh trong 9 tháng chưa được giải quyết hết, thì mới đây nhất chỉ trong 2 ngày liền kề là ngày 9 -10.11.2021, Đức Xuân lại phát hiện thêm 3 vụ khai thác gỗ tại các thôn: Xuân Thành, Xuân Minh, Xuân Thượng. Các vụ khai thác gỗ trái phép trong rừng tự nhiên luôn làm đau đầu cấp ủy, chính quyền địa phương…
Lãnh đạo xã Đức Xuân cho biết: Công tác BVR hiện nay được tạm giao cho 1 cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn gồm 3 xã: Đức Xuân, Liên Hiệp và Hữu Sản. Cùng phối hợp với cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn, UBND xã Đức Xuân đã phân công cho 1 cán bộ Địa chính xã, bộ phận Công an, Quân sự cùng hỗ trợ làm công tác BVR. Phần lớn diện tích rừng cần được bảo vệ lại nằm trong khu vực giáp ranh: Một bên là xã Vô Điếm (Bắc Quang), một bên lại tiếp giáp với các xã thuộc huyện Chiêm Hoá, Lâm Bình (Tuyên Quang). Khu vực giáp ranh giữa các xã, huyện của Bắc Quang và Tuyên Quang là khu vực rất nhạy cảm, dễ bị lợi dụng và khó quản lý chặt. Bên cạnh đó, một khó khăn nữa là muốn đi một vòng tuần tra, bảo vệ khu rừng tự nhiên phải mất ít nhất là 1 tuần vừa đi, vừa ngủ lại rừng (đấy là lúc thời tiết thuận lợi khô ráo). Còn thường khi đi tuần tra một vòng xung quanh khu rừng nguyên sinh phải mất ít nhất là 10 ngày vừa đi, vừa ăn, ngủ tại rừng. Mọi công việc của xã thì gần như phải xếp lại trong suốt thời gian đi tuần tra rừng.
Xét trên thực tiễn công việc BVR ở Đức Xuân có rất nhiều bất cập. Bất cập nhất chính là lực lượng làm công tác giữ rừng còn quá mỏng, lại phân tán. Cán bộ được giao trách nhiệm chính để BVR là cán bộ làm kiêm nhiệm, không thể chuyên trách. Duy nhất, có 1 cán bộ chuyên tránh làm công tác BVR là Kiểm lâm lại phải cùng lúc quản lý tới 3 xã với diện tích rộng, địa hình phức tạp. Hơn nữa, muốn đi kiểm tra rừng thì chỉ nguyên 1 cán bộ Kiểm lâm cũng không thể làm nổi. Dẫn đến, công tác bảo vệ, tuần tra rừng bị bỏ ngỏ. Chính đây là những nguyên nhân khách quan dẫn đến các vụ vi phạm lâm luật ở Đức Xuân lúc nào cũng “nóng”. Xét về đời sống kinh tế, xã hội ở Đức Xuân hiện tại cũng còn rất nhiều khó khăn đó là: Tỷ lệ hộ nghèo chiếm quá nửa dân số với 333/534 hộ; hộ cận nghèo 136 hộ; hộ trung bình và khá giả chỉ có 56 hộ…
Để gìn giữ và BVR nguyên sinh ở Đức Xuân một cách bền vững thiết nghĩ phải giải quyết được 2 bài toán đó là: Thành lập Tổ quản lý, BVR chuyên trách và phát triển kinh tế, tạo ra sinh kế bền vững cho người dân giảm nghèo là một nhiệm vụ cấp bách của các cấp ủy, chính quyền. Dân không túng thiếu, thì chắc chắn các vụ khai thác gỗ trái pháp luật ắt hẳn sẽ không còn. Để giải quyết được bài toán phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho người dân thì không gì khác là Nhà nước phải đầu tư xây dựng hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm; hỗ trợ vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân để thúc đẩy phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức người dân cùng tham gia quản lý, BVR. Phải nhất thiết thành lập ở Đức Xuân 1 Tổ quản lý, BVR nguyên sinh chuyên trách, có sự gắn kết giữa quyền, lợi ích và trách nhiệm cụ thể, rõ ràng; tăng cường công tác giám sát trực tiếp của cấp ủy, chính quyền và người dân để bảo vệ cho được khu rừng nguyên sinh Đức Xuân. Tiến tới, xây dựng Đức Xuân trở thành điểm du lịch sinh thái khám phá rừng nguyên sinh. Đồng thời, cần thiết phải phục dựng lại một số nghề, làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc người Đức Xuân để giảm nghèo nhanh, đưa Đức Xuân phát triển bền vững.
Nhân bài viết cũng đề nghị, cơ quan chức năng các cấp cần nhanh chóng điều tra, đưa ra xét xử công khai, minh bạch các vụ chặt phá rừng tại Đức Xuân trong thời gian qua để tăng mức răn đe, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.