Hà Giang: Tiếp cận và phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp

BVR&MT – Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có địa hình chia cắt mạnh đã tạo nên nhiều vùng miền mang đặc trưng của các tiểu vùng khí hậu với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; bên cạnh đó, cũng do địa hình cắt mạnh đã hình thành nên các phương thức canh tác độc đáo của đồng bào các dân tộc (hiện Hà Giang có trên 19 dân tộc cùng sinh sống)… là những điểm “nhấn” thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế trong những năm qua.

Được tham gia thu hái, chế biến và thưởng thức chè Shan hữu cơ cùng đồng bào các dân tộc thiểu số của Hà Giang là một trải nghiệm thú vị đối với du khách.

Hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp (DLNN) đã được hình thành và phát triển ở một số nước trên thế giới và một số tỉnh trong nước như Lâm Đồng, Lào Cai, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…Việc tham gia của du khách cùng với người dân địa phương trong việc làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến các sản phẩm nông nghiệp hiện đang trở thành trào lưu thu hút đối với khách du lịch. Đây là một loại hình du lịch được đánh giá là dễ khai thác khi tất cả các giá trị của loại hình này bao gồm tổng thể các phương thức canh tác trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân.

Với những phương thức canh tác độc đáo trong nông nghiệp của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang như: Canh tác trên đá, thổ canh trên các hốc đá của đồng bào tại 4 huyện Cao nguyên đá; canh tác trên các thửa ruộng bậc thang của đồng bào các dân tộc thiểu số tại 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần; trồng lanh dệt vải của đồng bào dân tộc Mông; trồng ngô để nấu rượu ngô men lá; sử dụng hạt của cây hoa Tam giác mạch để chế ra loại rượu đặc sản chỉ có ở vùng Cao nguyên đá; nuôi ong khai thác mật hoa Bạc hà trong tự nhiên; thu hái, chế biến bằng thủ công và thưởng thức chè Shan tuyết tại 2 huyện vùng cao phía Tây…là những đặc điểm độc đáo trong nông nghiệp chỉ có ở các huyện vùng cao của Hà Giang.

Từ những đặc điểm tự nhiên, phương thức canh tác độc đáo cùng với sự đa dạng về văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số…đã tạo cho Hà Giang cơ hội lớn trong phát triển ngành DLNN. Thực tế trong những năm qua, loại hình DLNN trên địa bàn Hà Giang đã được hình thành và phát triển thông qua các loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, phần lớn du khách đến đây chỉ mới dừng lại ở mức độ lưu trú, tham quan, ngắm cảnh và chụp ảnh mà chưa có nhiều trải nghiệm với các hoạt động trong đời sống của người dân địa phương để cùng thực hiện các phương thức canh tác như cày trên nương đá, cùng canh tác trải nghiệm trên các thửa ruộng bậc thang; thu hái, chế biến và thưởng thức chè Shan hữu cơ, trồng ngô trên các triền đất dốc, trồng lanh dệt vải và cùng thụ hưởng các sảm phẩm nông nghiệp độc đáo của địa phương…Vì vậy, nguồn thu nhập của người dân địa phương từ các loại hình dịch vụ DLNN còn nhiều hạn chế.

Để tạo nguồn sinh kế, giúp người dân nâng cao thu nhập từ chính những phương thức canh tác độc đáo trong nông nghiệp cũng như các sản phẩm nông nghiệp do họ làm ra, đồng thời hướng đến loại hình du lịch “xanh”, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số…thì Hà Giang cần phải có một chiến lược xây dựng và phát triển DLNN một cách hiệu quả và bền vững.

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết: DLNN là một trong những hướng đi thu hút sự quan tâm của đa số khách du lịch hiện nay. Trong những năm qua, thông qua các tour du lịch trải nghiệm và khám phá các làng du lịch cộng đồng, ngành du lịch của Hà Giang đã và đang tiếp cận cách làm mới này. Tuy nhiên, tiềm năng DLNN đang cần được khơi dậy bằng các giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành liên quan trong việc quy hoạch trồng các loại cây nông nghiệp phục vụ du lịch từ khâu giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn; xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, khôi phục các lễ hội nông nghiệp truyền thống; phát triển các làng nghề gắn với DLNN; tăng cường các hoạt động trải nghiệm 3 cùng của du khách với người dân địa phương như cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia lao động sản xuất; tập huấn cho người dân về kỹ năng chế biến thực phẩm an toàn, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp với khách nước ngoài…Để du khách có một chuyến DLNN trải nghiệm hiệu quả, ý nghĩa, khám phá đầy đủ vẻ đẹp về mảnh đất và con người của Hà Giang….

Phạm Văn Phú
(Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang)