Hà Giang: Thành quả lớn từ sự chung sức, đồng lòng của nhân dân

BVR&MT – Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã thực sự tạo ra những thay đổi lớn đối với cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 47/175 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, kinh tế ngày càng khởi sắc, diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt.

Đoàn viên, thanh niên xã Pờ Ly Ngài (Hoàng Su Phì) làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Tư liệu

Tháng 12.2020, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) được công nhận đạt chuẩn NTM, đánh dấu một “mốc son” trong hành trình xây dựng và phát triển của địa phương. Đến Hồ Thầu hôm nay, dễ dàng chứng kiến sự đổi thay rõ nét từ những con đường bê tông sạch, đẹp nối liền trung tâm xã với các thôn, bản; những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát và ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng. Bí thư Đảng ủy xã, Phượng Chàn Nu cho biết: Chương trình xây dựng NTM đã thực sự đem đến một “làn gió” mới trên quê hương Hồ Thầu. Không chỉ thay đổi trong kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất mà còn thay đổi rõ rệt trong nhận thức và hành động của mỗi người dân. Giờ đây, các thôn, bản, hộ gia đình, ai ai cũng hồ hởi bàn chuyện trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những mô hình mới như: Trồng cây Sa nhân tím, quế, Dâu tây, liên kết trồng rau sạch, nuôi giun Quế… được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Xã sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phát huy hơn nữa thành quả NTM, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 47/175 xã đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại hầu hết đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên, chỉ còn 2 xã đạt dưới 9 tiêu chí. Bình quân tiêu chí của các huyện 30a là 12,98 tiêu chí/xã; các huyện vùng thấp và thành phố Hà Giang đạt 15,68 tiêu chí/xã. Có 69 thôn được công nhận thôn NTM. Các tiêu chí có tỷ lệ đạt thấp là: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm. Đây là nhóm phụ thuộc nhiều yếu tố như cần nhiều kinh phí, nội dung phải thực hiện đồng bộ, đòi hỏi quá trình dài về thời gian…

Đặc biệt, trong xây dựng NTM đã phát huy được tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Năm 2021, nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp đã đóng góp hàng tỷ đồng, hiến 360.000 m2 đất, đóng góp trên 251.000 ngày công, mở mới 229 km đường đất đá, bê tông hóa 437 km đường giao thông các loại. Láng bó nền nhà được 2.140 nhà, xây dựng 2.620 nhà tắm, 3.010 công trình vệ sinh, 1.407 bể nước, kiên cố hóa 187 km kênh mương… Từ sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân đã đem đến diện mạo mới cho khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh.

Đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết: Với mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí tại 47 xã được công nhận, thực hiện tăng 34 tiêu chí trong năm 2022, thực hiện hoàn thành 60 thôn NTM/10 huyện, Văn phòng đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM phù hợp với định hướng phát triển KT – XH của từng địa phương. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên xã, liên huyện, phấn đấu hết năm 2022 có 47,4% số xã đạt chuẩn tiêu chí về giao thông, đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị và kết nối các vùng miền, thúc đẩy phát triển KT – XH. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh các công trình đảm bảo đạt chuẩn cơ sở vật chất cho các trường học; hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn.

Với tiêu chí thu nhập và hộ nghèo là những tiêu chí khó, tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Triển khai mạnh mẽ Chương trình OCOP gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Tăng cường xúc tiến, tiêu thụ nông sản, đa dạng hóa kênh phân phối đảm bảo tính bền vững trước các tác động của thiên tai, dịch bệnh. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp sáng tạo… nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.