BVR&MT – Năm 2021, ngành Nông nghiệp đối diện không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thêm vào đó, 23 đợt thiên tai khiến ngành Nông nghiệp thiệt hại lên đến 50 tỷ đồng; dịch bệnh Tả lợn châu Phi (TLCP), viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò chưa có vắc xin điều trị; nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu, mục tiêu quốc gia dành cho ngành Nông nghiệp kết thúc giai đoạn đầu tư… Song, với sự quyết tâm, quyết liệt, điều hành linh hoạt của các cấp, ngành, nông nghiệp vẫn có bứt phá ấn tượng, làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Từ đầu năm đến nay, bệnh VDNC xuất hiện tại 693 thôn/106 xã/10 huyện khiến 10.956 con trâu, bò của 7.028 hộ mắc bệnh. Trong đó, buộc phải tiêu hủy 1.150 con với tổng trọng lượng gần 206 tấn, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Bệnh TLCP xảy ra tại 1.866 hộ/313 thôn/71 xã/11 huyện, thành phố với số lợn chết và tiêu hủy bắt buộc lên đến hơn 15,5 nghìn con, trọng lượng gần 703 tấn. Trước thực tế này, các cấp, ngành quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khống chế, ngăn chặn, không để dịch lây lan diện rộng. Trong đó, ngành chuyên môn tổ chức tiêm phòng gần 1,4 triệu liều vắc xin cho gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đến nay, 106/106 xã qua 21 ngày không phát sinh dịch bệnh VDNC, 95/106 xã công bố hết dịch VDNC, 11 xã thuộc huyện Quản Bạ đủ điều kiện công bố hết dịch VDNC. Riêng với dịch TLCP, 11 xã, thị trấn/6 huyện công bố hết dịch.
Dịch bệnh được khống chế, chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng quy mô trang trại. Đến nay, toàn tỉnh có 165 trang trại quy mô từ 10 đến trên 300 con/trang trại, nâng tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh lên gần 278.000 con. Đặc biệt, gần 3.000 con trâu, bò thụ tinh nhân tạo thành công (đạt tỷ lệ 71,6%), đặt nền móng quan trọng trong việc cải thiện tầm vóc, thể trạng đại gia súc, nâng cao giá trị kinh tế cho các hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, công tác tái đàn lợn sau dịch TLCP được triển khai tích cực, cẩn trọng. Các hộ thực hiện tái đàn được gần 73.000 con, nâng tổng đàn lợn toàn tỉnh lên hơn 582.000 con, tăng 1,87% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng đàn gia cầm phát triển ổn định với hơn 5,4 triệu con, tăng 3,36% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 51.100 tấn, tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước; đưa tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp chiếm 31,63%…
Với những quyết sách quan trọng của cấp ủy, chính quyền tỉnh, ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại. Hiện, toàn tỉnh có trên 2.600 hộ thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp (CTVT), phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững với tổng diện tích 115,56 ha. Trong đó, 576 vườn cho thu hoạch sản phẩm (các loại rau, củ, quả) với thu nhập bình quân 6,72 triệu đồng/vườn, cao gấp 2-3 lần so với trước khi thực hiện CTVT. Bên cạnh đó, 10/11 huyện, thành phố có 77 sản phẩm của 48 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021 (dự kiến công bố kết quả trong tháng này). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 193 sản phẩm của 87 chủ thể được phân hạng và công nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên (có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia) góp phần làm đa dạng, phong phú sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tạo sức hấp dẫn riêng cho mảnh đất biên cương cực Bắc.
Không dừng ở kết quả trên, thực hiện chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 3 dự án cấp tỉnh, gồm: Liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu trên địa bàn tỉnh; liên kết trồng lạc để bao tiêu sản phẩm lạc củ và chế biến tinh dầu lạc của Hợp tác xã Nông sản dầu lạc Đồng Yên (Bắc Quang); liên kết chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ hơn 19,6 tỷ đồng. Tại cấp huyện, lũy kế đến nay, 9/11 huyện, thành phố phê duyệt và thực hiện 26 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại 21 xã. Mối liên kết “4 nhà” gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm không chỉ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững mà còn tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại. Tiêu biểu, như: Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hương Hà (Tuyên Quang) liên kết sản xuất ngô sinh khối, quy mô 260 ha với nông dân huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Không chỉ cung ứng giống, phân bón, doanh nghiệp còn tiến hành bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nhân dân vùng liên kết. Sau khi trừ chi phí, nhân dân thu lợi nhuận gần 20 triệu đồng/ha. Còn mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại xã Xuân Minh (Quang Bình) có quy mô 8 ha/35 hộ tham gia mang lại kết quả khả quan. Năng suất chè sau thâm canh đạt gần 39 tấn/ha, cao hơn sản xuất đại trà 4,2 tấn/ha, giá bán chè búp tươi đạt 18.000 đồng/kg, tăng 29% so với sản xuất đại trà.
Không chỉ có những kết quả nổi bật trên, các chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2021 của tỉnh đều đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch, là minh chứng sinh động cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành trong chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án, chính sách, định hướng lớn thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Tiêu biểu như: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,2%; giá trị sản phẩm bình quân/ha đất canh tác ước đạt 53,05 triệu đồng; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá hiện hành) ước đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, tăng 9,47% so với năm 2020… Đây sẽ là động lực quan trọng để ngành Nông nghiệp tự tin tiếp tục vượt khó, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2022.