Hà Giang: Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số

BVR&MT – Những năm qua, sự nghiệp giáo dục tỉnh Hà Giang đã có bước phát triển mới cả về quy mô và chất lượng giáo dục. Sở GD&ĐT đã tích cực phối hợp tổ chức, duy trì các lớp xóa mù chữ (XMC), góp phần nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng sâu, xa.

Lớp xóa mù chữ tại xã Bản Máy (Hoàng Su Phì). Ảnh: TL

Tính đến tháng 12 năm 2021, toàn tỉnh có 822 cơ sở giáo dục (không tính trường Trung cấp Y tế, Cao đẳng Kỹ thuật và Công Nghệ) với tổng số 260.038 trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên bổ túc văn hóa; 13 trường PTDT nội trú và 185 trường PTDT bán trú; 7 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng Ngoại ngữ; 6 trung tâm giáo dục kỹ năng sống và 3 trung tâm tư vấn dịch vụ du học. Toàn ngành Giáo dục có 18.245 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên. Đội ngũ nhà giáo từng bước được bồi dưỡng nâng cao chất lượng, dần đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo trong tình hình mới. Mạng lưới trường, lớp được xây dựng hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; quy mô học sinh khá ổn định, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.

Các lớp học dành cho người lớn tuổi sáng điện mỗi tối đã không còn xa lạ ở các bản vùng cao trong tỉnh. Các lớp XMC, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ liên tục được mở đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí cho người dân. Ngành GD&ĐT thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể có nhiều biện pháp huy động các đối tượng trong độ tuổi tham gia các lớp XMC, phổ cập giáo dục (PCGD).

Các huyện, thành phố thực hiện tốt việc duy trì, củng cố và giữ vững kết quả XMC, PCGD tiểu học, PCGD THCS. Chủ động mở các lớp XMC và vận động những người đã học XMC tiếp tục học các lớp giáo dục sau khi biết chữ để củng cố vững chắc kết quả đạt chuẩn XMC. Chú trọng nâng cao chất lượng PCGD, thường xuyên tuyên truyền, vận động học sinh đi học, tăng cường các biện pháp duy trì sĩ số, hạn chế học sinh bỏ học. Nhiều huyện đã hỗ trợ ngành Giáo dục thuê dịch vụ nhập liệu phần mềm PCGD như huyện Yên Minh, Hoàng Su Phì và thành phố Hà Giang. Ngoài ra các huyện còn huy động được kinh phí xã hội hóa để xây dựng trường lớp, trang bị đồ dùng dạy học như huyện Đồng Văn huy động được trên 10,6 tỷ đồng; huyện Hoàng Su Phì huy động được trên 2,8 tỷ đồng.

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện mục tiêu XMC, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác XMC của tỉnh đã thu được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội. Kết quả các tiêu chí đạt chuẩn XMC của tỉnh: Tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 95.13%; tỷ lệ người độ tuổi từ 15-35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 98.16%; tỷ lệ người độ tuổi từ 15-25 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 99,09%… Toàn tỉnh có 193/193 xã đạt chuẩn XMC, trong đó 33 xã đạt chuẩn mức độ 1, 160 xã đạt chuẩn mức độ 2, so với cùng kỳ năm trước tăng 13 xã.

Cô Lê Thị Hòa, giáo viên dạy XMC tại xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì cho biết: Để thu hút học viên đến lớp và tiếp thu bài học tốt, đội ngũ giáo viên phải luôn linh hoạt các phương pháp dạy học, đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ; xây dựng phương pháp giảng dạy ngắn gọn, xúc tích. Trong quá trình dạy học, kết hợp tuyên truyền những kiến thức kỹ năng sống, phòng tránh dịch Covid-19, PCCC, đuối nước…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác huy động người mù chữ tham gia các lớp XMC còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, tài liệu dạy học chưa đầy đủ; một số lớp XMC thiếu tài liệu học tập dẫn đến chất lượng chưa cao; hạ tầng công nghệ thông tin còn gặp nhiều bất cập nên việc triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến gặp nhiều khó khăn. Do đó, thời gian tới, công tác XMC cho đồng bào DTTS vẫn được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, phải thực hiện thường xuyên góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế – xã hội.