Hà Giang: Phát huy vai trò của đội ngũ thú y cơ sở trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

BVR&MT – Ngay từ trước và sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lây lan trên địa bàn, toàn bộ hệ thống chính trị của Hà Giang, trong đó có đội ngũ cán bộ thú y cơ sở (thú y các xã, phường, thị trấn) đã vào cuộc triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch.

Cán bộ thú y xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên tham gia Chốt kiểm dịch gia súc cùng lực lượng chức năng địa phương.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh vào ngày 20/5 tại xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình. Tính đến ngày 23/6, đã có 8/11 huyện, thành phố bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, 3 huyện chưa bị nhiễm dịch là Bắc Mê, Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Sau hơn 1 tháng xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn của Hà Giang bị chết và phải tiêu hủy là 1.337 con/179 hộ/90 thôn/41 xã/8 huyện, thành phố với tổng trọng lượng là 70.310,4 kg. Qua 09 ngày, có 19 xã/6 huyện (Quang Bình 2 xã, Bắc Quang 5 xã, Vị Xuyên 5 xã, Đồng Văn 01 xã, thành phố Hà Giang 4 xã, Mèo Vạc 2 xã) không phát sinh thêm ổ bệnh.

Để làm tốt công tác phòng dịch, trước khi dịch bệnh xuất hiện, đội ngũ cán bộ thú y cơ sở của Hà Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi về triệu chứng, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, giảm thiểu thiệt hại và chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Nhờ đó, khi đàn lợn của các hộ chăn nuôi có biểu hiện bỏ ăn và bị chết không rõ nguyên nhân, những chủ hộ đã chủ động và kịp thời báo với cơ quan chức năng địa phương. Qua đó, các cơ quan chuyên môn đã kịp thời lấy mẫu phẩm lợn để giám định, phát hiện ổ bệnh kịp thời để có biện pháp xử lý.

Anh Nông Văn Thanh, Trưởng ban Thú y xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên chia sẻ: Đối với cán bộ thú y xã thì công việc quan trọng là phải theo dõi để phát hiện kịp thời dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi. Khi xuất hiện dịch bệnh cần phải báo cáo kịp thời với cơ quan chuyên môn của huyện để cùng phối hợp khoanh vùng, dập dịch, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng. Riêng đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đối với người dân. Nhờ đó, người dân đã chủ động báo cáo với chính quyền xã khi đàn lợn của gia đình có biểu hiện bất thường.

Khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn, đội ngũ cán bộ thú y cơ sở là lực lượng trực tiếp tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi về hiệu quả “5 không” khi có dịch (không giấu dịch, không buôn bán vận chuyển, không giết mổ lợn bị bệnh, không vứt xác lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn). Đồng thời tăng cường tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại các chợ phiên nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào về sự nguy hiểm của dịch bệnh; cấp phát tờ rơi tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi lợn để chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, cán bộ thú y của các xã, thị trấn là lực lượng xung kích trong hướng dẫn người dân các biện pháp phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại tại các ổ dịch; tham gia tích cực trong quá trình tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh…Ngoài ra, cán bộ thú y của một số xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi đã cùng các lực lượng chức năng địa phương tham gia tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời nhằm ngăn chặn vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch…

Anh Vương Văn Thành, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Quản Bạ cho biết: Trong thời gian qua, nhờ có những hoạt động tích cực của mạng lưới thú y cơ sở đã giúp cho công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện hoạt động đồng bộ, hiệu quả, sát với yêu cầu của thực tiễn. Mỗi khi vào đợt tiêm phòng vắc-xin, khử trùng môi trường chăn nuôi, nhất là vào đợt tăng cường phòng, chống dịch tả lợn châu Phi vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng thú y của các xã, thị trấn để xây dựng mạng lưới thú y đến tận các thôn bản trong phòng, chống dịch.

Từ thực tiễn cho thấy, trong những năm qua và nhất là thời gian xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, đội ngũ cán bộ thú y cơ sở của Hà Giang đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch và là lực lượng quan trọng tại cơ sở trong phòng, chống dịch gia súc, gia cầm nói chung và bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng. Những đóng góp tích cực và hiệu quả của đội ngũ thú y cơ sở của tỉnh trong thời gian qua đã được các ngành chức năng của Hà Giang ghi nhận và biểu dương kịp thời.