Hà Giang: Những mầm xanh trên miền đá Sính Lủng

BVR&MT – Sự khó khăn, khắc nghiệt về khí hậu, địa hình nơi Cao nguyên đá huyện Đồng Văn đã ảnh hưởng đến tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc nơi đây. Nhưng với sự cần cù, chăm chỉ, những người nông dân đã giúp “núi đá nở hoa”. Đặc biệt, sau khi tỉnh phát động Chương trình cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người dân, dưới sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương người dân các thôn, xã vùng cao đã tích cực, chủ động cải tạo đất, đá. Nhờ đó, đã tạo ra những mảnh vườn đầy sức sống với những mầm non đang mạnh mẽ vươn mình trên đá xám.

Khu vườn của gia đình anh Chứ Mí Pó, thôn Há Đề, xã Sính Lủng (Đồng Văn) góp phần tăng thêm thu nhập.

Sính Lủng là xã nội địa, cách trung tâm huyện Đồng Văn khoảng 20 km, với phần đa là đồng bào dân tộc thiểu số. Với tập quán canh tác truyền thống, người dân nơi đây chủ yếu trồng ngô và một vài loại rau màu. Tuy nhiên, rau màu được trồng chỉ với mục đích tự cung tự cấp nên chưa mang lại thu nhập cho người dân. Những năm gần đây, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng một số loại rau chuyên canh như Bắp cải, rau cải. Đến nay, sau khi chương trình cải tạo vườn tạp được lan tỏa rộng khắp, toàn xã đã thực hiện cải tạo được 13 vườn đạt tiêu chuẩn, trong đó có 4 vườn đã cho thu nhập. Đặc biệt, một số vườn trước đây đá nhiều hơn đất, nhưng đến nay đã trở thành những khu vườn mẫu, xếp đá gọn gàng, mang lại thu nhập cao cho chủ hộ.

Khu vườn của gia đình anh Chứ Mí Pó, thôn Há Đề, xã Sính Lủng rộng gần 4.000 m2 nhưng phần nhiều là đá nên quanh năm vợ chồng anh chỉ trồng một ít rau cải, chủ yếu vẫn trồng ngô. Có thời điểm khô cằn, thời tiết khắc nghiệt, bãi đất đá lại bỏ hoang. Năm 2021, dưới sức lan tỏa của Chương trình cải tạo vườn tạp, nhờ sự định hướng của cấp ủy, chính quyền, gia đình anh đã quyết tâm thay đổi, đăng ký cải tạo lại khu vườn và được cán bộ chuyên môn hướng dẫn vẽ sơ đồ, quy hoạch lại đất đai, lựa chọn cây giống. Hàng ngày, 2 vợ chồng anh cần mẫn xếp từng viên đá, be bờ giữ đất. Từ một khu vườn đầy đá, cỏ dại sau khi được cải tạo, vườn nhà anh Pó như “thay da, đổi thịt”. Vụ đầu tiên, anh Pó trồng 200 cây mận Tam hoa và 600 cây Bắp cải, thực hiện đúng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay, gia đình anh đã thu hoạch được 3 vụ rau, trừ chi phí, mỗi vụ mang về cho anh chị 20 triệu đồng. Đây là thành quả xứng đáng cho công sức phá đá trồng rau của gia đình anh.

Anh Pó chia sẻ: “Gia đình tôi dự định sẽ phát triển khu vườn thành vườn cây ăn quả. Hiện tại, khi cây mận vẫn còn nhỏ, chúng tôi trồng xen canh rau màu để có thu nhập. Dự định sau khi cây mận phát triển mạnh sẽ nuôi thêm ong lấy mật. Hiện, số lượng rau xanh của gia đình tôi tiêu thụ rất tốt, hầu hết thương lái đều đến tận vườn mua, nhiều khi không có đủ để cung cấp cho thị trường, vì hoàn toàn là rau sạch”.

Đồng chí Vừ Thị Dính, Bí thư Đảng ủy xã Sính Lủng cho biết: Xã hiện có rất nhiều gia đình thấy được lợi ích từ việc cải tạo vườn tạp đã chủ động trao đổi với cán bộ khuyến nông, mong muốn được tư vấn về cây, con giống, quy hoạch vườn. Đến nay, có một số vườn được đánh giá cao, mang lại thu nhập ổn định cho chủ hộ. Đặc biệt, từ sự thành công của các vườn đã lan tỏa đến đông đảo người dân trong xã, tạo khí thế lao động sôi nổi, tích cực hơn. Từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân vùng Cao nguyên đá. Từ đó góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.