Hà Giang: Những cỗ máy “ăn đá” trên Cao nguyên Đồng Văn

BVR&MT – Máy móc cùng con người đang ngày đêm “đập phá, đục khoét” đá tại huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Việc làm trái phép này không chỉ gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của quốc gia mà còn ảnh hưởng lớn đến Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cũng như môi trường rừng và sinh thái khu vực.

Tràn lan tình trạng khai thác, chế biến đá vôi trái phép

Ngày 19/5/2020, có mặt tại khu vực đường tránh thị trấn Yên Minh (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường  ghi nhận tình trạng khai thác đá trái phép vẫn diễn ra, máy đập, máy nghiền đá hoạt động rầm rộ.

Một địa điểm khai thác đá trái phép khác cách trung tâm thị trấn khoảng 3 km thuộc địa phận xã Hữu Vinh có ít nhất 7 người đang bốc đá bỏ vào máy nghiền, máy đập khiến bụi đá bay phủ trắng một vùng.

Máy đập, phá đá cỡ lớn được dùng để khai thác trái phép.

Trên vách núi, một chiếc máy đập đá cỡ lớn đang miệt mài đập, cào những tảng đá lớn bị đập vỡ lăn xuống sườn núi, dù ở thời điểm ấy lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang đang dự Đại hội Đảng bộ thị trấn Yên Minh cách đó khoảng 1 km.

Được biết điểm khai thác này là của người đàn ông tên Đ. (người dân địa phương gọi là Đ. “Cáo”). Việc khai thác trái phép đã diễn ra 6 đến 7 năm qua dù bãi khai thác nằm ven quốc lộ 4C, chỉ cách UBND xã Hữu Vinh vài trăm mét. Đứng ở UBND huyện Yên Minh có thể nhìn và nghe thấy tiếng máy đập phá đá.

Từ Yên Minh, đi theo quốc lộ 4C về phía huyện Đồng Văn, nhiều điểm nghiền đá đang hoạt động, đặc biệt là tuyến đường từ quốc lộ 4C qua xã Hữu Vinh vào xã Sủng Thài, có 5 điểm nghiền, chế biến đá thành gạch không nung, gạch được sản xuất ra xếp chồng hai bên đường. Hầu hết các điểm này đang có công nhân vận hành máy móc, đá được ô tô chở từ nơi khác về đây để chế biến.

Mọi hoạt động khai thác đá trái phép diễn ra các cách tấm biển cấm khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng của UBND huyện Yên Minh cắm vài trăm mét, có điểm chỉ vài chục mét.

Khi phóng viên có mặt tại các điểm chế biến đá, nhiều đối tượng điều khiển xe máy bám theo, thậm chí có thiếu niên thấy xe ô tô mang biển kiểm soát “lạ” còn dừng lại chụp ảnh cả người lẫn xe của chúng tôi. Chỉ ít phút sau khi có mặt của phóng viên, các điểm chế biến đá đồng loạt dừng hoạt động.

Cũng trên đường vào UBND xã Sủng Thài, phóng viên đi vào khu vực khai thác đá trái phép, một nhóm “đối tượng” xuất hiện cùng chiếc ô tô tải dừng đỗ giữa đường, có 3 người đàn ông hì hục vặn những con ốc ở bánh xe hàng giờ đồng hồ nhưng không hề tháo ra thiết bị nào ra. Một người dân địa phương tiết lộ đó là “kế sách” để chặn đường phóng viên vào điểm khai thác đá trái phép ở xã Sủng Thài.

Theo tìm hiểu, những hành động ngăn cản, theo dõi người lạ kể trên cùng với sự thiếu quyết liệt xử lý các đối tượng vi phạm của chính quyền địa phương khiến tài nguyên của Quốc gia bị đánh cắp. Cùng với đó, Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đang bị những “cố máy ăn đá” đục khoét làm mất cảnh quan, ảnh hưởng danh thắng.

Cao nguyên đá Đồng Văn là một cao nguyên đá trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Ngày 3 tháng 10 năm 2010, hồ sơ “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, và là công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam thời điểm đó.


Địa phương “không kiểm soát hết được” hay quản lý lỏng lẻo?

Để thông tin được khách quan, đa chiều phóng viên đã trao đổi qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Hoài, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Vinh về vấn đề có hiện tượng khai thác đá trên địa bàn – Vị này nói: “Không làm được vì xã nằm trong vùng cấm hết. Chỉ có mỗi chỗ ông Đ. có cái máy khai thác kia, huyện đã lập biên bản mấy lần, và đang có kế hoạch trấn áp”.

Đá sau khi khai thác sẽ được nghiền nhỏ để làm cát nhân tạo và bán cho những người có nhu cầu trên địa bàn huyện Yên Minh.

Còn đối với nhu cầu mở xưởng chế biến đá bà Hoài cho biết: “Làm điểm nghiền đá thì xuống ủy ban làm cam kết không phá đá ở địa bàn và chở đá ở nơi khác về. Đất mở xưởng thì của người dân cấp hết rồi, thuê của họ thôi. Còn chế biến trong sâu (tức: khu vực xa hơn) thì tôi nghĩ không vấn đề gì. Nếu làm cần cứ báo cáo với Phòng Tài nguyên và Môi trường, cả Công an nữa. Phải có phương án đảm bảo công tác môi trường”.

Từ nội dung trao đổi với người lãnh đạo đứng đầu xã Hữu Vinh cho thấy, việc người dân xây dựng các điểm chế biến đá quá dễ dàng, chỉ cần thuê đất rồi mua máy móc về làm, đá lấy ở đâu về cũng được, miễn là không phải lấy đá trên địa bàn đã bị cấm khai thác (xã Hữu Vinh).

Vậy những điểm chế biến đá lấy đá lấy nguyên liệu từ đâu? Theo tìm hiểm của phóng viên tất cả các điểm chế biến đá ở địa bàn xã Hữu Vinh được vận chuyển từ một bãi đá khai thác trái phép ở xã Sủng Thài cách đó khoảng 2 km.

Để làm rõ câu hỏi trên phóng viên đã cuộc trao đổi với ông Vàng Khái Sèng, Bí thư Đảng ủy xã Sủng Thài, huyện Yên Minh và nhận được đáp án: “Điểm khai thác đá trên huyện đã xử lý và dừng hết, huyện vừa rồi đã ra quyết định xử lý trường hợp này rồi. Chỗ đó do hai vợ chồng Đ – C cư trú ở Yên Minh làm, họ làm mấy năm rồi. Năm 2019, cơ quan chức năng làm việc với hai vợ chồng đó mấy lần, thấy quá thẩm quyền xử lý của xã do khối lượng khai thác quá lớn, nên xã báo huyện thành lập đoàn công tác xử lý. Khối lượng họ lấy đi bao nhiêu cũng không rõ lắm, chỉ biết là khối lượng rất lớn”.

Mặc dù việc khai thác đá trái phép đã nhiều lần bị xử lý nhưng máy móc phục vụ khai thác vẫn để nguyên tại chỗ nên các đối tượng khai thác rất dễ có các hoạt động vi phạm trở lại khi không có cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra. “Về máy móc của họ có trị giá lớn, chính vì vậy, tôi đã đề nghị huyện, huyện yêu cầu chuyển máy móc đi chỗ khác nhưng họ không chuyển đi” – ông Sèng nói.

Điểm khai thác đá trái phép của ông Đ. “Cáo” nằm ven quốc lộ 4C đã tồn tại gần chục năm qua nhưng không bị chính quyền địa phương xử lý.

Ở trách nhiệm quản lý cấp huyện, bà Phan Thị Minh, Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, cho biết: “Chúng tôi tăng cường xử lý, vừa rồi chỉ đạo xử lý hàng loạt”. Tuy nhiên, khi phóng viên cho biết, qua tìm hiểu hiện giờ họ vẫn khai thác trái phép thì người đứng đầu UBND huyện Yên Minh đã nói: “Thế thì các anh cứ tiếp tục tìm hiểu đi, tôi đang đi chỉ đạo Đại hội cơ sở. Huyện cũng đã gồng mình, cũng chỉ đạo ghê lắm, quyết định xử phạt cũng ký từ cấp cơ sở và cấp huyện. Thực tiễn do nhu cầu, bất cập, họ lén lút chúng tôi cũng không kiểm soát hết được”.

Liên quan đến thực trạng trên, PGS-TSKH Vũ Cao Minh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện địa chất, người từng nhiều năm nghiên cứu, lập hồ sơ để thế giới công nhận Công viên địa chất toàn Cầu Cao nguyên đá Đồng Văn – cho biết: “Việc khai thác đá ảnh hưởng đến cảnh quan chung vì nằm trong quy hoạch, quy định chung của Thủ tướng và tỉnh rồi. Còn chỗ cấm khai thác mà vẫn khai thác chắc là bên nào được chống lưng thì mới dám làm. Không riêng gì ở Yên Minh mà chỗ khác cũng có. Vi phạm này cần phải lên tiếng phê phán mạnh mẽ”.

Trong thời gian tháng 7 và tháng 9/2019, bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã nhiều lần có Văn bản chị đạo UBND huyện Yên Minh nghiêm túc kiểm tra, xử lý các hành vi phạm khai thác đá làm ảnh hưởng đến Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Làm rõ trách nhiệm và kiên quyết xử lý người đứng đầu cấp xã, huyện tại địa bàn để xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép. Theo văn bản bà Hạnh ký cho rằng “việc quản lý và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác đá vôi trái phép tại thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh vẫn chưa được Chủ tịch UBND huyện Yên Minh quan tâm thực hiện một cách nghiêm túc”.

Văn Hoàng