Hà Giang: “Lỗ hổng” khiến người dân Xuân Tịnh vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng

BVR&MT – Theo Quyết định số 1717/QĐ-UBND, ngày 28.10.2009, của UBND huyện Quang Bình về việc: Cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lâm nghiệp xã Xuân Giang, thì thôn Xuân Tịnh có 240 ha đất rừng sản xuất (RSX) đã được giao quyền sử dụng cho các hộ trong thôn. Đến ngày 18.11.2021, cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã Xuân Giang đã lập biên bản các hộ khai thác rừng trái phép trên chính diện tích đất đã được giao.

Cán bộ xã Xuân Giang và Kiểm lâm phụ trách địa bàn kiểm tra việc khai thác lâm sản của gia đình ông Hoàng Văn Liêm, thôn Xuân Tịnh.

…“Ba thằng chúng em đều mới ra ở riêng, đất cha mẹ chia cho thì ít, ruộng nương cũng chẳng có nhiều, vợ, chồng chăm chỉ làm để nuôi con. Gần 2 năm nay, dịch bệnh khắp nơi không đi làm thuê được. Thấy nhà ông Hoàng Văn Liêm trong thôn có rừng khai thác gỗ nên bảo nhau nhận làm công kiếm thêm ít tiền để nuôi con… ai ngờ lại vi phạm pháp luật” – Hoàng Văn Kiều, Hoàng Văn Thận, Hoàng Văn Tân thốt lên.

Ông Hoàng Văn Liêm, thôn Xuân Tịnh là người đã thuê khai thác rừng trên diện tích đất rừng được giao từ năm 2009 cho biết: Gia đình có 2 ha RSX, chia làm 2 mảnh và đã được Nhà nước cấp Quyền sử dụng từ năm 2009. Gia đình đã góp 1 phần đất rừng với Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang để trồng Cao su. Phần còn lại, do điều kiện kinh tế chưa cho phép nên đã giữ nguyên rừng để tái sinh. Đến nay, qua nhiều năm chặt, tỉa, phát dọn cây cối đã mọc thành rừng. Tuy nhiên, sản lượng gỗ rừng tái sinh vẫn không bằng rừng trồng. Thấy vậy, ông Liêm đã bàn với gia đình thuê người khai thác lấy gỗ bán. Mục tiêu sau khi khai thác, ông Liêm sẽ dọn dẹp, cuốc hố và mua cây Quế về trồng lại rừng ngay trong cuối năm nay. Ông Liêm cho rằng, Nhà nước đã giao đất, giao rừng, thì rừng đến tuổi khai thác thì khai thác và trồng lại rừng theo đúng quy định pháp luật.

Cũng với việc khai thác rừng trên diện tích rừng đã được Nhà nước giao RSX năm 2009, tại thôn Xuân Tịnh còn có các hộ: Hoàng Đình Nhu, diện tích được giao là 2,5 ha, trồng cây Bồ Đề năm 2015, hiện đã khai thác xong; hộ ông Hoàng Văn Bó, diện tích được giao là 1,2 ha, trồng cây Bồ Đề năm 2017; hộ ông Hoàng Văn Sạ, diện tích được giao là 5 ha, trồng cây Bồ Đề từ năm 2015, hiện đang khai thác (đã bị đình chỉ). Khối lượng gỗ khai thác bị lập biên bản ước khoảng từ 8 – 9 m3 gỗ tròn (gỗ tạp). Toàn bộ số lâm sản trên đã bị cơ quan chức năng niêm phong, quản lý. Các hộ nêu trên đều chung một suy nghĩ: Nhà nước đã giao đất, giao rsx cho họ từ năm 2009 theo đúng pháp luật. Các hộ cũng đã phát dọn, trồng rừng, sử dụng rừng được giao không sai pháp luật. Bây giờ, rừng họ trồng đã đến lúc khai thác lấy gỗ, để rồi lại tiếp tục trồng lại rừng bằng cây Quế có giá trị hơn. Thế nhưng, chỉ khi họ được các cơ quan pháp luật: Chính quyền xã, Kiểm lâm, Công an địa bàn đình chỉ và triệu tập vì khai thác rừng vi phạm pháp luật các hộ mới biết vi phạm.

Qua tìm hiểu, lãnh đạo xã Xuân Giang cho biết: Thôn Xuân Tịnh, có 240 ha rừng được UBND huyện Quang Bình cấp Quyền sử dụng đất RSX cho các hộ từ năm 2009. Các hộ được cấp đất cũng đã góp gần 40 ha đất rừng vào Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang để trồng Cao su. Còn lại, phần lớn hộ đã phát dọn, trồng rừng kinh tế bằng cây keo, bồ đề, mỡ… Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, Lý Văn Ba thừa nhận: Sai phạm trong khai thác rừng lấy gỗ ở Xuân Tịnh do chính quyền xã tập trung phòng, chống dịch Covid- 19 mà thiếu sâu sát trong kiểm tra, giám sát; cán bộ cơ sở xã còn chưa thật sự hiểu sâu về Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 về việc phân thành 3 loại rừng khi giao đất, giao rừng cho người dân. Dẫn đến để người dân vô hình chung khai thác rừng ở thôn Xuân Tịnh trái quy định pháp luật. Kế đó, là các cơ quan chuyên ngành không làm tròn chức năng, nhiệm vụ phổ biến và tuyên truyền pháp luật cho người dân có rừng, được Nhà nước giao rừng trong từng giai đoạn. Khi thực hiện Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2014, quy định phân thành 3 loại rừng. Thời điểm này, khi người dân muốn khai thác, hoặc chuyển đổi phải làm đơn xin phép lên các cấp có thẩm quyền cho phép mới được phép khai thác, trồng lại rừng.

Trở lại thực tế vụ việc cho thấy, công tác, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân còn nhiều “lỗ hổng”, rất cần được các cấp, ngành và chính quyền cơ sở ở Quang Bình xem xét.