BVR&MT – Có một phiên chợ mà sự bán mua chẳng quan trọng, nhưng ấm đượm vẻ đẹp trên Cao nguyên Hà Giang. Đó là chợ tình Khâu Vai, còn gọi là chợ Phong Lưu, mỗi năm tổ chức một lần, vào ngày 27.3 Âm lịch hàng năm. Phiên chợ độc đáo đã góp phần giúp đời sống người dân xứ đá trở nên sinh động, những nương ngô Xám đá tai mèo bớt lặng vắng.
Ở những vùng núi cao như Hà Giang sẽ chẳng bao giờ thiếu những huyền thoại. Huyền thoại về chàng Ba – con trai người Nùng và nàng Út – con gái người Giáy chỉ dám lén lút, hẹn hò ở miền đá giăng thành đắp lũy thuộc xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. Hai người bị ngăn cấm do những quan niệm khắt khe của dòng tộc. Khi tình yêu của họ bị phản đối quyết liệt, chàng Ba dắt nàng Út lên sườn núi Khâu Vai quyết tâm bảo vệ tình yêu. Điều đó đã khiến mâu thuẫn giữa hai tộc người trở nên gay gắt, đôi trai gái không cam tâm nhìn cảnh tang thương xảy ra với những người thân yêu, hai người đã gạt nước mắt chia tay, hẹn nhau hàng năm đúng ngày chia tay sẽ tìm gặp tại núi Khâu Vai, đó là ngày 27.3 Âm lịch. Sau khi chàng Ba và nàng Út mất đi, người dân trong vùng đã xây miếu Ông, miếu Bà và từ năm 1919, tổ chức phiên chợ tình đúng ngày 27.3 Âm lịch. Từ trước năm 1990, người đến chợ không nhiều, chủ yếu là những người bị trắc trở về tình duyên mà không đến được với nhau bởi những ràng buộc của lễ giáo, sau một năm xa cách đến đây để ôn lại chuyện tình xưa. Mỗi người đều đã có một mái ấm gia đình, có con, có người thành ông, thành bà gặp lại nhau đến để kể cho nhau nghe những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Họ cũng có thể hát cho nhau nghe những bài hát về mùa Xuân no ấm, về tình người. Sau năm 2000, khi Hà Giang đã trở nên có tiếng trên bản đồ du lịch, các cung đường uốn lượn trên vách đá, những phiên chợ độc đáo, kể cả chợ Phong Lưu, đều nằm trên hành trình khám phá của du khách. Bây giờ thì Khâu Vai nói riêng, Hà Giang nói chung trở thành điểm đến của du khách thập phương.
Chợ tình Khâu Vai không giống những chợ tình khác như ở Sa Pa, Mộc Châu bởi những nét độc đáo vẫn còn giữ được. Tôi sinh ra ở Hà Giang và đi đó đây nhiều, ở đâu chẳng có bến đợi, bến chờ. Ngay trên các xã vùng cao, nơi lũng sâu, suối đẹp, vẫn có bến đợi, bến hẹn hò của các cặp đôi. Nhưng đây là phiên chợ mà không hẳn là chợ, đi chợ mà giống như trải nghiệm ngày hội vui. Cả một năm mới gặp nhau một lần, họ được chơi, được hát, ăn uống, được nghe khèn, nhảy múa bung tỏa giữa cao nguyên, rồi khi chợ tan trở về gia đình, họ lại làm tròn chức phận với gia đình, làm chồng, làm vợ, làm mẹ, người thành ông, bà, làm chỗ dựa cho con cháu. Tôi biết, có những đôi vợ chồng chở nhau đi chợ, rồi tách nhau ra. Chồng đi tìm bạn cũ, vợ đi tìm người bạn xưa để gặp gỡ hỏi han cuộc sống của nhau mà chẳng sợ ghen tuông. Họ dắt nhau ra mỏm đá, góc núi, bờ nương tâm sự. Tôi cũng gặp những ông, bà đã lớn tuổi lắm, nhưng đôi mắt còn hằn in những tâm tư nhớ cố nhân, hằn in cả nỗi trăn trở của dòng Nho Quế hùng vĩ. Họ đến chợ tìm người xưa. Người xưa của họ có thể đến, có thể đến mà không ra mặt, nhưng có thể đã về với Tổ tiên. Nhưng sợi dây tình cảm vô hình cứ níu kéo họ về phiên chợ này để lòng dâng lên cảm xúc không nguôi. Những phút giây ngoài vợ chồng ấy thật nhân văn, cho thấy cuộc sống phong phú của đồng bào dân tộc miền núi nơi đây. Trong ngày diễn ra phiên chợ, nhiều đôi hát giao duyên, hát đối trong tiếng nhạc xập xình, ánh điện lan tỏa giữa rừng đá. Ở khu vực trung tâm chợ, từng tốp nam, nữ từ 5 đến 7 người tụ tập vào hát say sưa, mê đắm, người Giáy, người Nùng hát Cọi, người Tày hát Sli, Lượn để giao duyên…
Nhiều người đến và làm thơ về Hà Giang, về chợ tình, tôi chợt nhớ đến những câu thơ của thi sĩ Trần Hòa Bình khi đến mảnh đất này: “Quỳ trước núi mà tin thôi em ạ/ Ai trong đời chẳng có một Khâu Vai/ Nhọn sắc đá tai mèo/ Cứa vào thương nhớ”. Trần Hòa Bình đa tình và mảnh đất này cũng đa tình. Vâng, những chàng trai, cô gái Nùng, Giáy, Mông… ai cũng có những khao khát về tình yêu của riêng mình và khi yêu là chia sẻ và bâng khuâng nhớ.
Chợ là không gian mở, bởi không chỉ dành cho những tình nhân xưa, mà là “bến đò” của mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội. Chẳng ai có thể biết bao nhiêu đôi lứa đã thành vợ, thành chồng từ lần gặp gỡ ở chợ tình. Ngày nay, huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang đã đưa chợ tình Khâu Vai lên thành Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội chợ tình Khâu Vai với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo. Chợ không chỉ lưu giữ chuyện tình yêu đẹp, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa mà còn là không gian văn hóa sinh động, đặc sắc, phản ánh rõ nét đời sống văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL về việc đưa “Tập quán xã hội và tín ngưỡng chợ Phong Lưu Khâu Vai” vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.