Hà Giang: Đẩy mạnh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông

BVR&MT – Tính đến thời điểm cuối năm 2016, dân số của dân tộc Mông trên địa bàn Hà Giang chiếm trên 200.000 người, tương đương khoảng 32% dân số của toàn tỉnh; cư trú tập trung chủ yếu tại 4 huyện Cao nguyên đá (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ) và 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Biểu diễn múa khèn của người Mông ở Hà Giang.

Hiện nay, Hà Giang có trên 22 dân tộc cùng sinh sống (chủ yếu là các dân tộc Mông, Na Chí, Nùng, Pu Péo, Giấy, Lô Lô…). Đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang có văn hóa đa dạng, phong phú.

Trong những năm qua, cùng với các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo và đẩy mạnh phát triển du lịch tại 4 huyện Cao nguyên đá, tỉnh Hà Giang đã đề ra nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông; đây cũng chính là chủ trương góp phần tạo nên một Hà Giang đậm đà bản sắc dân tộc.

Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông đã được các cấp, các ngành của Hà Giang cụ thể hóa trong công tác chỉ đạo và triển khai hiệu quả tại cơ sở. Trong năm 2013, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chương trình hành động số 62 – CTr/TU về phát triển văn hóa của đồng các dân tộc gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch trên Cao nguyên đá, giai đoạn 2013 – 2020; bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 132/KH – UBND ngày 26/7/2013, về triển khai thực hiện Chương trình số 62 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm chỉ đạo các cấp, các ngành gắn công tác phát triển du lịch với công tác khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc; trong đó giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông được quan tâm khai thác, bảo tồn và phát triển.

Cùng với việc tôn tạo các công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông như Quần thể Kiến trúc nhà Vương, Phố cổ huyện Đồng Văn… các chương trình, dự án liên quan đến truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông cũng được ưu tiên khuyến khích phát triển như: Nghề chế tác khèn Mông ở huyện Đồng Văn, trồng lanh dệt vải thổ cẩm của người Mông ở huyện Quản Bạ, nghề rèn đúc lưỡi cày và đan quẩy tấu của người Mông ở huyện Mèo Vạc… Công tác khôi phục làng nghề của đồng bào dân tộc Mông không những góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn góp phần tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Giang đối với du khách khi lên du lịch trên vùng Cao nguyên đá.

Bên cạnh công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Hà Giang còn phát huy uy tín của các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân, văn nghệ sĩ, giáo viên… người dân tộc Mông phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của đồng bào như: Tổ chức các lớp chế tác khèn và dạy thổi khèn Mông, tổ chức các lớp dạy tiếng Mông cho cán bộ công chức là người thuộc các dân tộc khác trên địa bàn…

Ngoài ra, để phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Hà Giang đã tập trung phát triển các Lễ hội độc đáo của người Mông như Lễ hội Chợ tình Khâu Vai (tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc), Lễ hội Khèn Mông tại huyện Đồng Văn…gắn với các Lễ hội văn hóa như: Múa khèn, Hội thi trình diễn trang phục dân tộc Mông, thi cày trên nương đá, Hội thi xếp tường rào đá, thi dệt vải lanh, thi đan quẩy tấu, giao lưu văn hóa ẩm thực của người Mông như thưởng thức thắng cố với rượu ngô men lá tại các mùa lễ hội…

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú cũng như sự vào cuộc của các các cấp chính quyền địa phương cùng với sự phối hợp và ủng hộ của đông đảo người dân trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng đã giúp Hà Giang trở thành tỉnh có nét văn hóa “đa sắc màu” các dân tộc thiểu số và là tiền đề quan trọng giúp Hà Giang thu hút du khách trong nước và quốc tế trong các mùa du lịch.