Hà Giang: Dấu ấn của nông nghiệp, nông thôn năm 2017

BVR&MT – Năm 2017 là năm thứ 02 tỉnh Hà Giang triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020. Trong Đề án, Hà Giang đã xác định 06 sản phẩm nông nghiệp chủ lực là phát triển trâu, bò, ong và cam, chè, dược liệu theo hướng hàng hóa.

Nhằm tiếp tục thực hiện triển khai Đề án, trong năm 2017, tỉnh Hà Giang đã tập trung đẩy mạnh phát triển cam, chè theo hướng an toàn VietGAP và tập trung phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò và ong (chủ yếu là ong mật Bạc hà tại 04 huyện Cao nguyên đá). Đến cuối năm 2017, ngành Nông nghiệp của tỉnh Hà Giang đang hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng an toàn và không ngừng nâng cao giá trị.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp – PTNT Hà Giang và các đại biểu tham quan mô hình khảo nghiệm giống lúa mới tại huyện Vị Xuyên

Cụ thể, thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác cây hàng năm đạt trên 43 triệu đồng/ha (tăng 1,7 triệu đồng so với năm 2016); tỷ trọng trong lĩnh vực chăn nuôi đạt gần 28,4%, tăng gần 7% so với đầu năm 2016 (là năm bắt đầu triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông sản đạt 36,7 tỷ USD (tăng 13% so với năm 2016); các hình thức tổ chức lại sản xuất tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả; khoa học công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao; có trên 3.749 ha chè và 3.995 ha cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP, đạt trên 123% so với kế hoạch; phát triển được 836 gia trại chăn nuôi trâu, bò hàng hóa với tổng đàn đạt 275.757 con; tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt trên 397.234 tấn; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt đạt trên 76%, tăng 3,8% so với năm 2016.

Ngoài ra, trong năm 2017, một số sản phẩm trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Hà Giang đã có thị trường tiêu thụ ổn định và được sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung với qui mô lớn. Bên cạnh đó, trong năm 2017, Hà Giang đã xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cam Sành, Mật ong Bạc hà huyện Mèo Vạc; hồng Không hạt Quản Bạ; riêng các sản phẩm gạo tẻ Già Dui huyện Xín Mần và chè Shan tuyết đang được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) xem xét để cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Đối với sản phẩm cam Sành và mật ong Bạc hà đã có tem truy xuất nguồn gốc.

Trong năm 2017, cam Sành của Hà Giang đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý

Bên cạnh đó, trong năm 2017, tỉnh Hà Giang đã đặt ra mục tiêu phấn đấu và hoàn thành thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của toàn tỉnh đến cuối năm 2017 là 23 xã. Cũng trong năm 2017, Hà Giang đã huy động được 163.658 m2 đất và đóng góp được 106.535 ngày công lao động; phân bổ nguồn vốn và gần 48.000 tấn xi măng trong Đề án “Một triệu tấn xi măng” phục vụ xây dựng nông thôn mới, tương đương trên 62 tỷ đồng. Nhờ đó, đã nâng cấp, làm mới được trên 395 km đường giao thông nông thôn; làm mới, cải tạo, nâng cấp 127 phòng học; xây mới 28 Nhà văn hóa thôn bản…

Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Giang cho biết: Tuy mục tiêu đặt ra cho năm 2017 đầy khó khăn và thách thức, nhưng trong tư duy của sản xuất nông nghiệp đã chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. Các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được sản xuất theo hướng an toàn theo qui mô tập trung, góp phần nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Văn Phú