Hà Giang: Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống

BVR&MT – Trong những năm qua, nhằm khôi phục các làng nghề truyền thống, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và để phục vụ công tác du lịch của địa phương tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống tại các địa phương trong tỉnh.

Thiếu nữ dân tộc Mông thao tác quy trình dệt vải lanh.

Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn Hà Giang có tổng số 35 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận. Tổng số hộ tham gia các làng nghề là 1.971 hộ; các làng nghề và các làng nghề truyền thống đã góp phần tạo công việc ổn định cho khoảng 3.530 lao động vùng nông thôn trong tỉnh.

Có thể kể đến một số làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Giang như:  Nghề làm khèn của người Mông. Đây là nghề truyền thống đã có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang. Nghề làm khèn Mông được tập trung ở các xã Hố Quáng Phìn, Sủng Trái, Vần Chải…. của huyện Đồng Văn. Khèn Mông là một loại nhạc cụ không thể thiếu của người Mông trong các dịp lễ hội, lễ tết và cũng là nhạc cụ để các chàng trai người Mông tỏ tình với các cô gái tại các phiên chợ hay các dịp lễ hội.

Nghề trồng lanh dệt vải: Đây cũng là nghề truyền thống lâu đời của phụ nữ dân tộc Mông. Cây lanh được trồng theo hình thức gieo vãi trên nương, đến khi thu hoạch được tách vỏ, phơi khô, tách sợi để dệt vải. Các loại vải lanh được phụ nữ dân tộc Mông dệt thủ công bằng khung cửi. Bất cứ người phụ nữ Mông nào khi đến tuổi trưởng thành cũng phải thành thạo nghề dệt vải lanh để truyền lại nghề cho đời sau. Vải lanh được phụ nữ dân tộc Mông dệt và nhuộm bằng nhiều màu sắc khác nhau để làm khăn quàng cổ, áo, váy của phụ nữ và quần áo nam giới của người dân tộc Mông.

Nghề làm giấy bản: Đây là nghề truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Dao tại huyện Bắc Quang và Quang Bình (Hà Giang). Nguyên liệu để làm ra giấy bản là những cây vầu non kết hợp với các loại dây leo trong rừng được nghiền hoặc xay thành bột rồi ép, phơi khô…để tạo ra các tấm giấy bản. Giấy bản được người Dao dùng trong các nghi lễ Cấp sắc, Cầu an, hoặc dùng làm lá bùa treo ngoài cửa nhà để trừ tà ma….

Ngoài ra, còn phải kể đến một số làng nghề truyền thống nổi tiếng khác của đồng bào các dân tộc thiểu số của Hà Giang như: Nghề chạm bạc của người Dao ở Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh và Mèo Vạc. Sản phẩm là các đồ trang sức hàng ngày không thể thiếu của người phụ nữ dân tộc Dao như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai…; nghề rèn, đây là nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu trên địa bàn của Hà Giang. Nghề rèn của đồng bào nhằm tạo ra các công cụ phục vụ sản xuất và đời sống hàng ngày như dao, kiếm, cung tên, lưỡi cày, liềm, cuốc, xẻng…; nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Tày và dân tộc Pà Thẻn ở huyện Bắc Quang và Quang Bình….Trong những năm qua, các làng nghề và làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang được khôi phục, bảo tồn và phát triển; cũng từ đó, các làng nghề góp phần người nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Để duy trì và phát triển các làng nghề, trong thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng và các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý các làng nghề, lồng ghép các nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ và đầu tư cho các làng nghề phát triển. Nhờ đó, các làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang không ngừng được phát triển cả về số lượng và chất lượng, đa dạng các mẫu mã của sản phẩm. Nhiều làng nghề đã thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động các vùng nông thôn cũng được quan tâm nhằm giúp người dân nâng cao trình độ tay nghề. Vì vậy, việc phát triển các làng nghề và làng nghề truyền thống đã thu hút được nhiều lao động tại các vùng nông thôn của tỉnh. Từ đó, đã giúp cho các làng nghề của Hà Giang tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng và mẫu mã đặc trưng, mang tính độc đáo, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số và phục vụ cho công tác du lịch của địa phương. Đây cũng là hướng đi góp phần quan trọng nhằm nâng cao dân trí và đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số của Hà Giang.

 Phạm Văn Phú