Góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững

CHUYỂN GIAO TIẾN BỘ KỸ THUẬT CHO NÔNG DÂN:

BVR&MT – Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (ƯD-CGCN) Phú Yên phối hợp với Hội Nông dân tỉnh mở các lớp tập huấn, triển khai thực hiện các mô hình, đề tài, dự án nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm; tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm ƯD-CGCN phối hợp với Hội Nông dân huyện Tây Hòa triển khai mô hình bắp ủ chua cho gia súc. Ảnh: THÁI HÀ

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Từ năm 2019-2021, Trung tâm ƯD-CGCN và Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức 65 lớp tập huấn (30- 50 người/lớp) cho hội viên nông dân về các mô hình chuyển giao KH-CN tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Sở KH-CN cũng tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện 2 dự án cấp nhà nước thuộc Chương trình Nông thôn miền núi là: Xây dựng mô hình Ứng dụng tiến bộ KH-CN trong sản xuất bắp và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua cung cấp cho chăn nuôi bò trong các nông hộ và trang trại; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nhân giống và sản xuất chuối theo hướng công nghiệp ở vùng trung du và miền núi tỉnh Phú Yên. Thông qua việc thực hiện chương trình, dự án, các quy trình, kỹ thuật được hoàn thiện, kế thừa; các tiến bộ KHKT và công nghệ được ứng dụng, chuyển giao đã tạo ra các sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đời ở khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh, TX Đông Hòa, một lão nông dạn dày, trước đây chạy theo sản lượng mà không chú ý nhiều đến sự an toàn. Khi tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân và Trung tâm ƯD-CGCN tổ chức, ông dần thay đổi cách nghĩ, cách làm. “Tôi được học nhiều quy trình kỹ thuật và mạnh dạn canh tác các cây trồng mới. Tôi cũng biết cách làm sao để việc trồng trọt vừa an toàn, vừa hiệu quả, hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Các loại rau củ do gia đình tôi sản xuất đều có giá bán cao hơn thị trường”, ông Đời chia sẻ.

Ông Lê Văn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), cho biết kinh tế người nông dân ở huyện miền núi Sơn Hòa phụ thuộc nhiều vào cây mía, sắn, lúa và chăn nuôi bò. Gần đây, thời tiết biến động bất thường, nắng hạn kéo dài khiến cho việc canh tác gặp khó khăn; chi phí đầu tư cho cây mía khá lớn, thậm chí mất mùa lỗ nặng. Để đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, Hội Nông dân thị trấn đã phối hợp với Trung tâm ƯD-CGCN học tập các mô hình mới và về triển khai tại địa phương.

Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, Hội Nông dân Sơn Hòa phối hợp với Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Mầm Xanh (TP Tuy Hòa) chuyển giao kỹ thuật trồng cam sành, bưởi da xanh theo hướng hữu cơ; phối hợp với Trung tâm ƯD-CGCN mở các lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật canh tác sử dụng chế phẩm sinh học thay cho phân bón hóa học… Nhờ thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn, có sự phối hợp với doanh nghiệp, sản phẩm bưởi da xanh và cam sành được cam kết bao tiêu với giá cao hơn thị trường.

Ứng dụng mạnh KHKT vào sản xuất

Các hoạt động CGCN, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần làm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm và tăng thu nhập, tạo nhiều việc làm cho người nông dân.

Trên địa bàn tỉnh, nghề trồng nấm hình thành từ lâu nhưng việc chế biến, tiêu thụ, sản xuất giống nấm hầu như chưa phát triển nên người dân phải mua giống ở những địa chỉ trôi nổi nên sản xuất kém hiệu quả. Trước thực tế đó, Trung tâm ƯD-CGCN đã tiếp nhận thành công công nghệ sản xuất nấm, đồng thời phối hợp với hội nông dân các cấp CGCN sản xuất cho người dân. Nhờ vậy, nghề trồng nấm ở Phú Yên những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực. Trung tâm ƯD-CGCN chuyển giao trực tiếp bịch phôi cho người trồng nên hạn chế tối đa việc nhiễm bệnh, nhờ vậy người dân nuôi trồng đạt sản lượng cao, không bị thất thoát. Sản lượng cả tỉnh, nấm rơm đạt khoảng 12 tấn/năm, nấm sò 20 tấn/năm, mộc nhĩ đạt 24 tấn/năm, nấm linh chi đạt khoảng 6 tấn/năm.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết việc ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất là xu hướng tất yếu để phát triển một nền nông nghiệp xanh, bền vững. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là sản xuất nông nghiệp thường gặp nhiều yếu tố bất lợi, rủi ro; diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; chi phí đầu tư ban đầu cho ứng dụng KHKT cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định nên việc nhân rộng các mô hình điển hình về ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất còn hạn chế. Thời gian tới, ngoài việc hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ cây con giống cho nông dân, Hội Nông dân tiếp tục chú trọng vận động những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có đủ điều kiện, làm nòng cốt, tiên phong trong việc đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ KHKT vào sản xuất.

Để công tác phối hợp mang lại hiệu quả, hàng năm, các cấp hội nông dân cần chủ động rà soát nhu cầu chuyển giao KHKT của địa phương, phối hợp Trung tâm ƯD-CGCN xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình ứng dụng KH-CN có hiệu quả kinh tế cần được đẩy mạnh; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp; tăng cường mối liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

ThS Trương Hùng Mỹ, Trưởng Phòng Kỹ thuật và CGCN, Trung tâm ƯD-CG