Gom rác trên biển, việc làm cần thiết và hữu ích

BVR&MT – Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên biển và ven bờ biển có xu hướng gia tăng đáng báo động ở Việt Nam. Tại khu vực miền trung, rác thải nhựa ven biển đang trở thành nỗi ám ảnh, tác động đến đời sống, sức khỏe của người dân, thậm chí có nguy cơ dẫn tới thảm họa đối với môi trường.

Các lượng tham gia thu gom rác thải trên bãi biển Cửa Lò.

Báo cáo phân tích ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cuối tháng 7 vừa qua cho thấy, chất thải nhựa chiếm 94% tổng lượng rác thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông, ven biển. 10 loại nhựa phổ biến nhất là các loại mảnh nhựa, hộp xốp thực phẩm, bao bì và hơn 60% các loại rác thải là nhựa dùng một lần. Rác thả xuống biển miền trung chủ yếu từ nguồn thải trên đất liền theo các con sông đổ ra biển và do con người sinh hoạt, làm việc trên tàu cá xả xuống biển.

Trong mỗi chuyến biển ngư dân phải chuẩn bị rất nhiều nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ cho việc khai thác dài ngày. Theo ước tính, bình quân mỗi chuyến biển xa bờ khoảng 12-15 ngày, một tàu cá sẽ thải xuống biển chừng 8 kg rác thải, chủ yếu là rác nhựa và túi ni-lông. Như vậy, trong một vụ cá, hàng vạn tàu cá ở miền trung thải xuống biển một lượng khổng lồ rác thải vô cơ khó phân hủy.

Trong bối cảnh đó, dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tài trợ và thực hiện thông qua Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế và môi trường bền vững thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Tại tỉnh Quảng Bình, dự án đã được triển khai qua ba giai đoạn với mục tiêu truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng, nhất là với bà con ngư dân thông qua mô hình “Ngư dân mang rác vào bờ”. Cụ thể, ngư dân được hướng dẫn làm túi thu gom, đựng rác thải với vật liệu tận dụng từ lưới đánh cá hỏng.

Kích thước túi dài khoảng 1m và rộng 0,5 m. Mỗi tàu có hai túi để đựng rác thải có thể tái chế và rác thải không thể tái chế. Các túi đựng rác được đặt ở phía sau đuôi tàu nhằm không làm ảnh hưởng đến hoạt động và thao tác khi đánh bắt hải sản của ngư dân. Thực hiện mô hình đơn giản nhưng nhiều ý nghĩa này, nhiều tàu cá xa bờ ở Quảng Bình sau thời gian dài đánh bắt trên biển đã về bến cùng với khoang hải sản và sau đuôi tàu còn có những chiếc túi đựng đầy rác sinh hoạt.

Chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị thu gom rác thải. Điểm tập kết rác thải phù hợp theo quy định tại các vị trí có tàu cá neo đậu, thuận lợi cho ngư dân để rác thải sau khi tàu cá cập bến. Mặt khác, khi tàu cá vào bờ, người nhà của chủ tàu thường thu gom vỏ lon, vỏ chai góp vào “Ngôi nhà xanh” của Chi hội Phụ nữ nhằm gây quỹ cho các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn.

Từ cuối năm 2021 đến nay, có 400 tàu thuyền của ngư dân tỉnh Quảng Bình thực hiện thu gom hàng chục tấn rác từ biển vào bờ. Điều quan trọng là góp phần làm thay đổi nhận thức, tạo ra thói quen cho ngư dân không xả rác bừa bãi xuống biển để góp phần bảo vệ môi trường biển và nguồn lợi thủy sản.

Để mô hình ngày càng phát huy hiệu quả và nhân rộng, Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế và môi trường bền vững đề nghị, tiếp tục chia sẻ mô hình thu gom rác từ biển vào bờ đến với nhiều ngư dân ở nhiều địa phương thông qua hoạt động tuyên truyền lồng ghép của các hội đoàn thể, hội thi, qua truyền hình địa phương để lan rộng thông điệp thu gom rác thải từ biển vào bờ, chung tay giảm nhựa đại dương.

Các cấp, ngành tổ chức lồng ghép hoạt động thu gom rác từ biển vào bờ trong các kế hoạch phát triển của địa phương, các phong trào của Đoàn, Hội; các xã, phường ven biển ký kết văn bản phối hợp với các đồn biên phòng tuyến biển và chi cục thủy sản trong việc tham gia quản lý rác thải nhựa.

Mặt khác, để bảo vệ bờ biển, đầm phá, cửa sông được trong sạch cần mở rộng hoạt động, đa dạng hình thức truyền thông nâng cao nhận thức và quản lý rác thải nhựa từ nguồn trên bờ với sự tham gia của cộng đồng dân cư, chia sẻ hình ảnh hoạt động hữu ích rộng rãi trên các hạ tầng mạng xã hội từ kênh chính thống của chính quyền địa phương.