Góc khuất về hổ nuôi đằng sau bức màn “Vua Hổ”

BVR&MT – Series phim tài liệu “Tiger King” chiếu trên Netflix gần đây phơi bày thế giới vĩ cuồng và lập dị của những tay nuôi thú, trong đó mọi bối cảnh và nội dung tập trung vào Joseph Maldonado-Passage, với biệt danh “Joe Exotic”, chủ sở hữu Công viên động vật chuyên nuôi nhốt hổ Greater Wynnewood tại Oklahoma, Mỹ.

Tháng 1/2020, Maldonado-Passage chính thức nhận bản án 22 năm tù vì âm mưu giết một nhà phê bình, giết 5 cá thể hổ và bán hổ bất hợp pháp giữa các bang. Tiếc là bộ phim dựa theo các tuyến nhân vật nên không dành nhiều thời lượng để nhấn nhá về các góc khuất liên quan đến buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp núp bóng trang trại nuôi cũng như vấn đề về phúc lợi động vật. Dưới đây là một vài khía cạnh còn bỏ ngỏ đó:

Chăn nuôi có phải là bảo tồn hổ?

Một số cơ sở chăn nuôi hổ tư nhân cho rằng họ giúp tăng số lượng hổ đang nguy cấp trong tự nhiên. Nhưng những cá thể mèo lớn này sẽ không bao giờ được thả ra ngoài tự nhiên, bởi vì chúng không biết cách tự bảo vệ mình và vì di truyền của chúng. Có nhiều phân loài hổ trong tự nhiên, mỗi phân loài thích nghi để sinh sống ở một vùng nhất định của thế giới. Một cá thể hổ Bengal không phải là hổ Siberia, cũng không phải là hổ Sumatra. Hầu hết hổ thuộc sở hữu tư nhân ở Hoa Kỳ là lai hỗn tạp hoặc không xác định, do đó bị loại trừ khỏi các nỗ lực nuôi nhốt tại các vườn thú và các tổ chức được công nhận đang bảo tồn loài.

Ảnh: Internet

Điều kiện ở một khu bảo tồn hoặc vườn thú tốt?

Theo Liên đoàn các khu bảo tồn động vật toàn cầu (tổ chức có thẩm quyền công nhận), một khu bảo tồn thực sự có sứ mạng tồn tại để chăm sóc trọn đời những động vật bị ngược đãi, bỏ bê, vứt bỏ hoặc cần được giúp đỡ. Một khu bảo tồn thực sự không cho phép sinh sản hoặc tương tác thực tế với động vật, và duy trì các tiêu chuẩn cao về chăm sóc, vận hành.

Đối với các vườn thú ở Hoa Kỳ được Hiệp hội Sở thú và Thủy cung công nhận thì cần có các trang thiết bị cao hơn yêu cầu cơ bản của chính phủ về sức khỏe và phúc lợi động vật, giáo dục cho khách thăm, an toàn, lưu trữ hồ sơ… Bảo tồn thường được quảng bá như là một phần sứ mệnh quan trọng của vườn thú. (Nhiều quốc gia khác cũng có các tổ chức kiểm định).

“Các khu bảo tồn giả mạo” và “vườn thú bên đường” là những thuật ngữ lỏng lẻo mô tả các cơ sở không được công nhận, có vấn đề, có tiêu chuẩn vận hành và chăm sóc thấp.

Hệ lụy của việc nuôi hổ làm cảnh?

Các cơ sở nuôi thú cưng thường tăng tốc nhân giống hổ để có nguồn cung liên tục, theo thông tin từ một báo cáo của National Geographic vào tháng 12/2019. Ngay khi một lứa được sinh ra, những con non bị tách khỏi mẹ để hổ mẹ có thể sinh sản lứa mới sớm hơn.

Tuy nhiên, tương tác với con người cũng gây căng thẳng cho hổ con. Chúng còn rất non nớt, lại không được tương tác mẹ chúng; và chúng bị chuyền quanh giữa ánh sáng rực rỡ, tiếng ồn ào, và với những cá thể hổ còn quá bé nhỏ thì con người có thể là kẻ săn mồi.

Hổ con chỉ có ích về mặt kinh tế (và về mặt pháp lý) trong một thời gian ngắn (8-12 tuần tuổi). Chúng nhanh chóng trở nên quá nguy hiểm khi tương tác với du khách. Chúng có thể bị biến thành hổ lai giống hoặc bị đẩy đi trình diễn. Có bằng chứng về việc một số cá thể hổ bị giết.

Ảnh: Internet

Chuyện gì với hổ lai?

Các loài lai chéo nhan nhản trong các vườn thú và rạp xiếc thú tư nhân. Trong tự nhiên, những con lai sư tử-hổ không tồn tại. Trên thực tế, sư tử và hổ sống ở những nơi riêng biệt trên thế giới. Theo nhà khoa học và bảo tồn mèo lớn Luke Hunter, lai chéo loài có thể gây ra các khiếm khuyết di truyền và các vấn đề sức khỏe.

Hổ trắng không phải là loài lai nhưng chúng không hoàn toàn tự nhiên, ít nhất không phải trong những con số chúng ta thấy trong điều kiện nuôi nhốt. Chúng đơn giản là hổ với bộ lông trắng và chúng hiếm khi được tìm thấy trong tự nhiên. Dan Ashe, Giám đốc điều hành AZA viết trong một bài đăng gần đây rằng sinh sản cận huyết để tạo ra và bán hổ trắng trong những năm qua có nghĩa là một số cá thể bị khuyết tật bẩm sinh cần được chăm sóc trọn đời.

Làm thế nào để biết hổ được chăm sóc tốt?

Nếu bạn tính chuyện đến thăm một khu bảo tồn hoặc vườn thú thì lời khuyên để giúp bạn xác định những nơi có đạo đức và trách nhiệm là chú ý đến không gian và sinh cảnh của hổ. Theo nghiên cứu của Leigh Pitsko, hiện làm việc cho Vườn thú quốc gia Smithsonian, hổ là loài sống về đêm to lớn và đơn độc nên có những nhu cầu đặc biệt khi bị nuôi nhốt. Chúng cần không gian để vận động và không nên bị nhốt chen chúc với những con hổ khác. Chúng cần một nơi để ẩn nấp nếu cảm thấy căng thẳng hoặc bị du khách làm cho choáng ngợp, chúng cũng phải luôn ở gần bóng râm và nước. Đồ chơi, hoạt động và thiết bị leo trèo rất quan trọng để giữ cho bộ não hổ hoạt động, chuồng nuôi với sàn bằng các nguyên liệu tự nhiên chứ không phải bê tông, không chỉ quan trọng đối với sức khỏe của bàn chân và da mà còn cho sức khỏe của chúng. Chuồng nuôi càng tự nhiên thì càng tốt.

Nhật Anh (Theo National Geographic)