BVR&MT – Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp trên toàn quốc nói chung, Ðắk Nông nói riêng. Chương trình đã tạo động lực mạnh mẽ, tập hợp sự đoàn kết của mọi tầng lớp trong xã hội, huy động sức mạnh về tinh thần và vật chất nhằm xây dựng khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, nhất là khu vực đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)…
Mặc dù có nhiều đất đai, nhưng cái đói, cái nghèo quanh năm đeo bám cuộc sống gia đình ông Ðiểu Byan, ở bon Ðiêng Ðu, xã Ðắk Ngo, huyện Tuy Ðức. Nguyên nhân chính vẫn là tư duy sản xuất và tập quán canh tác lạc hậu khiến cây trồng kém năng suất, chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp ông Ðiểu Byan tìm hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu. Sau khi ông được tham gia nhiều lớp khuyến nông, tập huấn khoa học – kỹ thuật đã cùng với gia đình mạnh dạn cải tạo đất đai, quy hoạch lại vườn rẫy trồng điều, cà-phê trên diện tích 8 ha. Ðất không phụ lòng người, những cây điều cao sản, cà-phê giống mới đã cho năng suất cao với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Khi đã thoát khỏi đói nghèo, ông Ðiểu Byan mạnh dạn đầu tư chăn nuôi thêm bò lai với hướng đi theo mô hình đa cây, đa con để tránh rủi ro và giá cả bấp bênh của các mặt hàng nông sản, nhờ vậy thu nhập của gia đình luôn ổn định. Hiện nay, hằng năm, trừ chi phí sản xuất, gia đình ông có thu nhập ổn định hơn 400 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Ðiểu Byan còn giúp bốn hộ nghèo mượn bò cái để nuôi sinh sản lấy bê con, nhằm tạo điều kiện về nguồn vốn để bà con trong bon cùng thoát nghèo. Từ những việc làm thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả, vừa qua ông Ðiểu Byan được tín nhiệm bầu vào cấp ủy chi bộ, bon trưởng bon Ðiêng Ðu.
Nói về chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Ðiểu Byan cho biết, đây là chương trình hết sức có ý nghĩa, thiết thực với người dân, nhất là khu vực đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào DTTS. Nhờ có chương trình mới khơi dậy, tập hợp được sức mạnh đoàn kết; làm đổi mới tư duy của người dân trong sản xuất gắn liền khoa học – công nghệ; gắn trách nhiệm của cá nhân với gia đình, cộng đồng và xã hội, tạo sự gắn kết cộng đồng. Xây dựng nông thôn mới đã làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện cả về vật chất, tinh thần và con người mới; tạo sự gắn kết về tình cảm và văn hóa giữa các dân tộc với nhau. Cũng theo ông Ðiểu Byan, được nhân dân tín nhiệm bầu làm bon trưởng là điều rất tự hào. Tuy nhiên, đây cũng là trách nhiệm rất lớn, bản thân luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để cùng nhân dân trong bon thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trước thời điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bon Bu Bir, xã Quảng Tín, huyện Ðắk R’Lấp có 96 hộ dân, nhưng có đến 16 hộ nghèo và 30 hộ cận nghèo, đời sống của người dân chỉ dựa vào canh tác tự nhiên với cây điều và cà-phê truyền thống cho nên năng suất thấp, giá cả bấp bênh. Hạ tầng giao thông chủ yếu là những con đường dân sinh dẫn tới khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, phân bón vào các vùng sản xuất, tư thương thường xuyên ép giá các mặt hàng nông sản dẫn đến tình trạng thiếu đói quanh năm. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn tìm lối đi riêng để thoát nghèo, nhưng do đơn lẻ, thiếu kết nối cho nên dễ rơi vào thất bại khiến cuộc sống càng khó khăn hơn. Từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, được sự hỗ trợ về kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hỗ trợ cây, con giống, khoa học – kỹ thuật…, đồng bào nơi đây rất phấn khởi hiến đất làm đường, các công trình công cộng, hăng hái thi đua trong lao động sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng năng suất cao, áp dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Hiện nay, toàn bon chỉ còn bốn hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo, tỷ lệ bê-tông hóa giao thông nông thôn đạt hơn 90%…
Đến nay, sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo Ðắk Nông đang ngày càng thay đổi, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, đồng bào DTTS có cuộc sống cơ bản ổn định. Nhất là từ năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến nay tỷ lệ giảm nghèo của địa phương đạt nhiều kết quả nổi bật. Toàn tỉnh đã có 22 trong số 60 xã đạt chuẩn; bình quân mỗi xã đạt hơn 15 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; đối với 12 xã đặc biệt khó khăn thuộc hai huyện 30a là Tuy Ðức và Ðắk Glong đến nay đều đạt hơn 10 tiêu chí; hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, nhất là vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư; kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực; mạng lưới y tế cơ sở đã được củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả của y tế cộng đồng; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn…
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Ðắk Nông Hà Thị Hạnh cho biết, đối với đồng bào DTTS tỉnh Ðắk Nông nói chung, nhất là đồng bào DTTS tại chỗ thì lực lượng cốt cán là già làng, trưởng bản, người có uy tín và đảng viên trong thời gian qua đã phát huy tốt được vai trò gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng bon, buôn ngày càng giàu mạnh. Trong đó, nhiều người đã có cách nghĩ, cách làm sáng tạo, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào xây dựng thành công các mô hình sản xuất, kinh doanh cho thu nhập cao, tạo ra các phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS; nhiều cá nhân đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương biểu dương khen thưởng, đồng bào tín nhiệm bầu giữ vị trí cốt cán của địa phương, trở thành hạt nhân chính trị tại cơ sở.