Giúp người dân nơi biên giới thoát nghèo

BVR&MT – Ðến vùng biên giới Gia Lai mùa này không còn cảnh nắng cháy, gió rát và bụi đỏ bay mù mịt, thay vào đó là những cánh rừng cao-su, cà-phê xanh tốt bạt ngàn. Những cung đường vành đai biên giới, những thôn làng người Gia Rai trù phú… Một vùng biên giới khởi sắc. Thành quả đó có sự đóng góp rất lớn của cán bộ, chiến sĩ, người lao động Công ty 74, Binh đoàn 15.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Hồng Lam, Giám đốc Công ty 74, cho biết: “Những năm gần đây, do tác động bởi giá mủ cao-su xuống thấp, lại ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đơn vị còn đó những khó khăn nhất định. Ðặt mục tiêu phát triển và cuộc sống của công nhân, người lao động lên hàng đầu, Ðảng ủy-Ban Giám đốc công ty đã phát huy sức mạnh đoàn kết, tính năng động, sáng tạo, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, cách làm, hướng đi mới phù hợp; mạnh dạn mở rộng các ngành nghề, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động như: nâng cấp, cải tiến kỹ thuật dây chuyền chế biến mủ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, kiên định với nhiệm vụ, chủ động khắc phục mọi khó khăn gian khổ, chia sẻ và gắn bó với đơn vị, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Cán bộ Binh đoàn 15 và Công ty 74 hướng dẫn người dân trồng lúa xen canh.

Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ, ngay từ đầu Công ty 74 đã khoanh vùng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ðã trồng, khai thác hơn 6.954 ha cao-su; thu hút hơn 3.450 lao động, trong đó có hơn 1.493 công nhân, lao động là người địa phương. Ðồng thời, công ty tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, làm tốt công tác dân vận, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Chỉ tính ba năm gần đây, Công ty 74 đã hỗ trợ xây dựng 19 ngôi nhà “Ðồng đội”, “Tình nghĩa”…, hơn 1,3 tỷ đồng; thăm và trao hơn 57 nghìn suất quà trị giá hơn 5,3 tỷ đồng để tặng các gia đình thuộc đối tượng chính sách khó khăn. Bên cạnh đó, đơn vị còn đầu tư 17,6 tỷ đồng xây dựng một điểm trường trung tâm; tổ chức khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí cho 21.025 lượt người, cấp 13 đợt thuốc phòng dịch, với kinh phí gần một tỷ đồng…

Ðưa tay chỉ và giới thiệu cho chúng tôi con đường “quân dân 74” chạy dài dưới tán rừng cao-su, ông Kpuih Peo-già làng Do, xã Ia Dok, huyện Ðức Cơ (Gia Lai) bộc bạch: “Trước đây bà con trồng được hạt lúa, củ mì (sắn) không vận chuyển về nhà được, cho nên số thì bị mưa ướt làm hư hỏng, số thì bị con chuột, con chim nó ăn hết, dân làng thiếu đói, khổ cực. Từ ngày Công ty 74 khảo sát rồi làm đường cho dân, giao khoán vườn cây, hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn cho bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, tập trung cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, chỉnh trang nhà cửa, các công trình vệ sinh, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, mở rộng diện tích vườn cây, tạo thêm việc làm thì đời sống của bà con phát triển trông thấy. Làng Do bây giờ đã không còn hộ đói, hộ nghèo giảm xuống dưới 40%.

Gặp chúng tôi trong chuyến công tác cơ sở, đồng chí Vũ Mạnh Ðịnh-Chủ tịch UBND huyện Ðức Cơ phấn khởi cho biết: Cái mới và thành công nhất của bà con dân tộc thiểu số ở địa phương hiện nay là họ không những biết trồng, chăm sóc, thu hoạch cao-su, cà-phê, hồ tiêu…, mà đã thay đổi được phương thức canh tác sản xuất, thời gian lao động. Từ “chặt, đốt, chọc, tỉa”, du canh, du cư, họ đã chuyển sang nhận khoán vườn cây, cày xới đất làm vườn, chọn cây giống, bón phân để tăng năng suất, tăng thu nhập. Ðây là “sản phẩm” đặc biệt của bộ đội Công ty 74 để lại cho bà con. Không những trao cho người dân chiếc “cần câu” là những vườn cao-su, cà-phê đang tuổi khai thác, thu hoạch, mà Công ty 74 còn tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho hàng nghìn người lao động. Từ tay không đói nghèo, lạc hậu đến nay gia đình nào cũng có vườn cao-su, cà-phê… cho thu nhập ổn định, đời sống không ngừng được cải thiện; đây là yếu tố quan trọng để quân và dân đoàn kết, gắn bó, chung sức xây dựng vùng biên giới phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh.