Giúp người dân miền núi giảm nghèo

BVR&MT – Thời gian qua, việc thực hiện các chương trình giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa tổ chức triển khai đồng bộ, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Gia đình chị Lê Thị Vân ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân( Thanh Hóa) vay vốn NHCSXH phát triển nghề đan cót.

Điển hình là Chương trình 134 và Quyết định 755/QĐ-TTg của Chính phủ về Chính sách hỗ trợ đất cho dân tộc thiểu số đã hỗ trợ tiền đất ở, nước sinh hoạt, máy móc nông cụ giúp đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn vốn để vươn lên thoát nghèo.

Ông Cầm Bá Tiệp, Trưởng phòng dân tộc huyện Thường Xuân cho biết, là huyện vùng cao và nằm trong 62 huyện nghèo nhất nước, Thường Xuân có nền kinh tế nông nghiệp chậm phát triển, tập quán canh tác lạc hậu; điều kiện tự nhiên phức tạp khiến cho việc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã còn thiếu, nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà ở đã hư hỏng làm cho nhu cầu sản xuất không đảm bảo, cuộc sống của người dân đang còn đói nghèo. Vì vậy, Chương trình 134 và Quyết định của Chính phủ đang là nguồn lực lớn giúp nâng vượt qua đó nghèo và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Để thực hiện các chương trình này, UBND huyện Thường Xuân đã nâng cao công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của chương trình để người dân nắm được thông tin và biết được quyền lợi khi tham gia. Huyện cũng lồng ghép có hiệu quả các dự án của chương trình, đồng thời, tổ chức các đợt kiểm tra, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ nghiêm túc. Nhờ đó, nhiều người dân dân tộc thiểu số đã chủ động, tự giác lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo.

Tại xã Luận Thành, Chương trình 134 được triển khai năm 2005, đến năm 2010 thì kết thúc, xã tiếp tục thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg. Nhờ các nguồn vốn hỗ trợ này, nhiều hộ dân đã sử dụng để phát triển kinh tế, giảm nghèo ngay tại quê hương.

Anh Lang Văn Lành, thôn Cao Tiến, xã Luận Thành cho biết, trước đây kinh tế gia đình anh còn nhiều khó khăn, nhà cửa chưa có phải làm lều trên đồi ở. Năm 2008, anh được Chương trình 134 của nhà nước hỗ trợ 5 triệu để xây nhà. Với số tiền này anh đã vay mượn thêm người thân để xây một ngôi nhà mới. Khi đã có nhà anh tiếp tục đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, anh nhập nhiều giống cây mới, xây chuồng trại, đào ao để chăn nuôi, kết hợp trồng rừng kinh tế.

Bằng ý chí và nghị lực vươn lên, năm 2012 anh đã chính thức thoát nghèo, năm 2017 anh mở rộng trang trại lên 5 ha. Đến nay, trang trại đã xuất nhiều sản phẩm ra toàn huyện. Hiện trang trại của anh đang có 11 con bò, 80 con lợn, 3 ha keo, thu nhập bình quân của gia đình anh khoảng 200 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về quá trình thoát nghèo nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 134, anh Lê Văn Thông, thôn Cao Tiến, xã Luận Thành cho hay, năm 2009 anh được hỗ trợ 3 triệu để xây bể lọc nước. Nhờ chương trình hỗ trợ số tiền đó, sau khi xây xong bể nước, anh đã có động lực thay đổi cuộc sống nghèo khó bằng cách vay mượn thêm tiền của người thân để sản xuất, kinh doanh. Anh Thông đã mở xưởng làm gạch, vật liệu xây dựng, đồng thời trồng rừng kinh tế. Nhờ sự cố gắng trong thời gian dài, cơ sở kinh doanh của anh đã mở rộng lên 6 ha, thu nhập bình quân của gia đình anh khoảng 150 triệu/năm.

Sau khi Chương trình 134 kết thúc năm 2010, xã Luận Thành đã triển khai Quyết định 755/QĐ-TTg của Chính phủ đến người dân. Chị Lương Thị Chiến, thôn Cao Tiến, xã Luận Thành cho biết, chị được hỗ trợ máy phát cỏ trị giá 5 triệu và đã dùng chiếc máy này để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, vay thêm vốn để mua các loại cây giống, con giống để phát triển kinh tế gia trại. Nhờ chiếc máy này chị có thể dọn cỏ trong vườn trồng rau, cũng chăm sóc các các giống cây keo, lát, hiện thu nhập gia đình chị khoảng 60 triệu đồng/năm.

Theo bà Ngân Thị Hường, Phó chủ tịch UBND xã Luận Thành, xã đã chuyển tiền hỗ trợ từ Chương trình 134 cho người dân và thực hiện xong các dự án, công trình để phục vụ cuộc sống của người dân. Đối với Quyết định 755/QĐ-TTg, xã triển khai từ năm 2015-2016, mỗi hộ trong diện hỗ trợ nước phân tán được xã cấp 1,3 triệu đồng để đào giếng, làm bể nước. Tổng số hộ được hỗ trợ là 61 hộ, tổng số tiền xã đã chuyển cho người dân là hơn 81 triệu đồng. Còn các hộ trong diện hỗ trợ máy móc, nông cụ được xã cấp tiền mua 1 loại máy trị giá 5 triệu đồng, gồm máy cày, cắt cỏ, máy cưa, tổng số hộ tham gia là 80 hộ, số tiền xã hỗ trợ xã chuyển cho dân khoảng 400 triệu đồng.

Hiện Quyết định mới triển khai trong xã trong năm 2015 và 2016, sau đó tạm dừng. Tổng số hộ được hỗ trợ là 142 hộ, tổng sống tiền xã được nhà nước hỗ trợ khoảng 481 triệu đồng. Nhờ số tiền này, nhiều người dân tộc thiểu số đã có nguồn nước sạch để sử dụng, cũng như có máy móc để làm nông nghiệp, phát triển sản xuất.

Theo ông Cầm Bá Tiệp, Trưởng phòng dân tộc huyện Thường Xuân, thời kì trước ít nước sinh hoạt nên chương trình 134 hỗ trợ nhiều hộ, mỗi hộ từ 3-5 triệu đồng. Năm 2010, chương trình 134 chấm dứt hỗ trợ vào huyện. Đến năm 2015-2016, UBND huyện đã hỗ trợ mua máy móc nông cụ cho 1.066 hộ với số kinh hỗ trợ là 5.330 triệu đồng, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.524 hộ với số kinh hỗ trợ là gần 2 tỷ đồng. Huyện cũng phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức giải ngân cho 182 hộ được vay vốn để mua sắm máy móc nông cụ với tổng số tiền cho vay là 2.523 triệu đồng. Cũng từ đó đến nay, Quyết định 755/QĐ-TTg tạm dựng hỗ trợ vào huyện.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp hướng dẫn nhân dân đã được hỗ trợ nước sạch, máy móc nông cụ thực hiện các mô hình sản xuất mới để nâng cao thu nhập. Huyện Thường Xuân sẽ phấn đấu giảm nghèo hàng năm giảm từ 4-6% , từ nay đến đến năm 2020 giảm nghèo trên 10%, để thực hiện mục tiêu thoát khỏi danh sách 62 huyện nghèo nhất nước.