BVRMT – Tôi chậm chạp lê những bước chân trĩu nặng bùn đất để tiến sâu hơn nữa vào khai trường Mà Sa Phìn, để tận thấy những ánh mắt kinh động ngờ sợ, những gương mặt non choẹt bủng beo hay những cảnh nghèo rạc đói rời đang dáo dác tìm đường ra phía sự sống, rồi cảm nhận thấy nỗi ám ảnh lùa vào da thịt mà buốt xót lòng…
Trở lại suối Chăn
Suối Chăn (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), không có nhiều đổi khác so với ba năm về trước – thời điểm chính tác giả bài viết này cũng có mặt để truy tìm sự thật về số liệu báo cáo “2 người chết, 7 người bị thương” được đưa ra trong vụ sạt lở kinh hoàng đêm 4/9/2013 tại khu vực khai thác vàng trái phép trên địa phận xã Minh Lương, huyện Văn Bàn.
Cho đến tận thời điểm hiện tại, hàng vạn khối đất đá lở xuống đêm hôm ấy đã cuốn đi tất thảy bao nhiêu mạng phu vàng, vẫn còn là một ẩn số và chưa có lời giải đáp chính xác. Chỉ biết rằng, sau khi có sự vào cuộc gắt gao của báo chí, chính quyền địa phương đã phải thừa nhận có 12 người tử vong.
Còn con số thực tế có thể lớn hơn, bởi ngay trong đêm và cả nhiều ngày sau nữa, người dân địa phương đã tận mắt chứng kiến những cảnh bới móc, khóc than, những quả đồi nghi ngút khói hương và từng tốp người lầm lũi vẹt rừng, mở lối để cáng những xác người đã được bọc kín ra ngoài.
Đau xót đến ruột nát, tim tan, thân nhân người xấu số chỉ còn biết đứng hai bên bờ suối Chăn mà than khóc. Họ cay đắng cho thân phận, để tang cho người bị nạn và cho cả một con suối xưa kia vốn trong xanh biêng biếc trước khi nạn khai thác vàng ồ ạt, phá tan hoang tất cả.
Nay, dòng suối Chăn cuồn cuộn sóng dữ và đỏ quạch bùn đất, lại một lần nữa chứng kiến cơn cuồng nộ của đất trời khi là nơi vớt được 2 thi thể trong vụ việc thảm khốc đêm 19/8 tại khai trường Mà Sa Phìn (xã Nâm Xây). Cả hai người này, theo báo cáo ban đầu “2 người chết, 4 người bị thương” của Lào Cai, đều là công nhân của công ty CP vàng Nhẫn.
Sau đó, trước quyết tâm kiếm tìm sự thật của nhiều cơ quan báo chí trong đó có Báo Lao Động, chiều 25/8, đích thân Chủ tịch Lào Cai Đặng Xuân Phong, đã cuốc bộ gần 20km để thực tế hiện trường. Tại cuộc họp tổng kết sơ bộ buổi thị sát, con số nạn nhân tử vong đã được xác định lại là 7 người.
Giải thích cho sự khác biệt trong các báo cáo, ông Đỗ Văn Duy – Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết, bởi xuất phát từ hoàn cảnh thực tế, đường đi lối lại vô cùng khó khăn, trong khi điện và sóng điện thoại không có, nên công tác cập nhật không thể liền lúc được. Bên cạnh đó, ông này cũng thanh minh, do những người chết không thuộc địa bàn huyện nên công tác xác minh lại càng khó khăn hơn (!?).
Thế nhưng, hành trình truy tìm sự thật của PV Báo Lao Động lần này cũng lại cho những số liệu rất khác biệt. Chắp nối các nguồn tin sống từ hiện trường – những người đã tận thấy cảnh chết chóc, con số thực tế người thiệt mạng, hiển nhiên, lớn hơn nhiều.
Những chuyện cóp nhặt trên đường
Đường vào Mà Sa Phìn ngay sau cơn mưa lũ và sạt lở lịch sử hôm 19/8 càng khó khăn gấp bội phần. Quãng đường 22km bình thường xe ô tô bán tải có thể phóng vút đến tận nơi, nay bị băm nhỏ bởi hàng chục điểm sạt lở: 4km đầu có thể đi xe máy và toàn bộ đoạn sau phải đi bộ.
Nhận chở tôi với mức phí 200 nghìn đồng cho 4km đầu tiên, một thanh niên người Dao tên Bảo dáng dấp lác nhách, người đì đẹt như cái chạc khoai nhưng tinh thông lạ thường. Cậu hiểu chuyện và liên tục chia sẻ về tận cùng nỗi khủng khiếp đã và đang xảy ra bãi vàng Mà Sa Phìn.
Theo lời kể của thanh niên 25 tuổi, người Văn Bàn thường kháo nhau, cuộc sống nơi bãi vàng là thế giới lấm lem giữa thiện và ác của giới giang hồ vô pháp vô thiên. Ở nơi này, đủ các thứ tệ nạn đều góp mặt và thường xuyên xảy ra những cuộc tranh chấp “tanh nồng mùi máu”, cướp, giết không thương tiếc. Không ít người chỉ vì một ánh mắt, một câu nói mà bỏ mạng chốn rừng thẳm núi hoang.
“Sở dĩ có tình trạng này là bởi “thổ phỉ” còn rất nhiều. Thế nên, dân địa phương không đi làm vàng mà toàn là người nơi khác. Bọn mình chỉ nhận chở thuê, họ thiếu gì mình chở đó lấy công, chứ cũng sợ lắm”, Bảo thực thà nói.
Trong kí ức nhợt nhạt của mình, thời còn nhỏ lắm, cậu bé tên Bảo không sao quên được hình ảnh những tốp người rồng rắn kéo nhau từ dưới xuôi lên. Họ ăn mặc rất khác biệt, lân la đến từng hộ dân để thuyết phục dân bản đi đào vàng. Họ nói, cánh rừng xanh thẳm xa xăm kia chứa đầy thứ tài nguyên tên vàng, cả dòng suối Chăn cũng vậy, rồi vẽ lên những viễn cảnh giàu có mộng mị.
Cuốn phăng theo cơn thèm khát mang tên vàng, sự bình yên của vùng đất này giờ chỉ còn trong ký ức xa xôi, khi người ta chưa hề biết đến sự giàu có ảo tưởng.
Có những gia đình chưa kịp giàu thì đã phải cất tiếng khóc đưa tiễn người ra đi trong gượng gạo, giấu giếm, nguyên nhân của cái chết chỉ được giải thích vụng về là do ốm nặng qua đời, nhưng đằng sau đó ai cũng biết vì sao. Dưới cái màn trời triền miên những cay nhức, ánh sáng tối và ẩm ướt của nơi rừng thiêng nước độc đổ xuống những mái đầu xanh đang ngậm chùm tóc mới vừa tơ mà đã nhuốm màu tang.
Thế nhưng, có một thực tế là chính những người dân chân chất sống ở nơi có thứ tài nguyên quý giá này lại hầu như không được hưởng lợi gì. Hằng ngày họ vác cái máng gỗ và xẻng đi đi, về về. Nghề của họ được gọi với cái tên rất thực tế “lọ mọ”, đi mót lại những vảy vàng chẳng may sót lại sau sự đào xới, sàng lọc từ những máy móc hiện đại. Có ngày may mắn thì được chút ít, nhưng phần nhiều đều công cốc.
Không ít người đem theo cả gia đình, con cái ẩn giật tận sâu trong bãi vàng, với mong muốn đổi đời nhờ vàng nhưng kết quả là cuộc sống của họ vẫn vất vả, vất vả hơn cả khi cuốc đất làm ruộng trong khi những đứa con không được cắp sách đến trường…
Chính quyền thừa nhận có “thổ phỉ” Theo ông Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn Phạm Bình Minh, huyện có biết tình trạng các mỏ thổ phỉ hoạt động ở Mà Sa Phìn. Hàng năm, huyện có thành lập các đoàn liên ngành để truy quét, phá huỷ các lán trại và máy móc. Thế nhưng, cứ đẩy đuổi hôm trước thì hôm sau thổ phỉ lại quay lại. “Nói chung còn vàng là họ còn tìm đến đây. Nhiều lúc chính quyền địa phương đã phải bất lực với tình trạng này” – ông Minh thừa nhận. Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, ở Mà Sa Phìn, chỉ có duy nhất công ty cổ phần Nhẫn Lào Cai được quyền khai thác vàng với tổng diện tích khai thác 26,03 ha, thuộc khu vực Sà Phìn và Tsu Ha. Thời hạn khai thác là 11 năm với công suất 59kg vàng/năm. Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận của PV cũng khẳng định, ở khu vực này ngoài vàng còn có trữ lượng lớn các loại khoáng sản quý hiếm như vonfram, titan… Giá của vonfram lúc cao nhất lên đến 300 triệu đồng/ tấn. Không thể khai thác vào nơi đã có chủ, các bưởng vàng quyết định “đánh” vào các khu vực lân cận. Tuy nhiên, họ chỉ được hoạt động nếu được sự chấp thuận của ông chủ duy nhất có tên là H.H quê Thái Nguyên. Tỉ lệ ăn chia cũng tuỳ theo quan hệ của bưởng vàng với H.H. Có thể là 50-50, 60-40. Sau khi “cấp quyền” cho các bưởng vàng, phía ông chủ H.H sẽ cử một người giám sát quá trình khai thác để dễ ăn chia. |