Giữ rừng nơi đáy biển

BVR&MT – Những gợn sóng lăn tăn. Biển Lý Sơn ngày hè yên ả. Trên mặt biển, những chiếc ca nô chở du khách quần lượn ra vô các bãi cạn liên hồi quanh đảo. Dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) từ bao đời nay đã ví những rạn san hô dưới đáy đại dương là những vạt rừng xanh, ẩn mình trong biển mặn. Cá tôm thi nhau về đây cư ngụ. Rừng san hô hiện lên, chứa đựng vẻ đẹp lung linh đa sắc màu. Cư dân ở hòn đảo tiền tiêu này mỗi ngày đang cần mẫn giữ rừng nơi đáy biển…

Chớ có bẻ, lấy đi!

“Kính chào quý anh chị đã đến với tour lặn biển ngắm san hô tại Chùa Hang!. Trước khi quý anh, chị lên ca nô ra bãi cạn lặn ngắm san hô, xin các anh, chị khi lặn ngắm chớ có bẻ, chớ có lấy đi san hô biển. Chỉ ngắm thôi nhé!. Nếu ai có ý định bẻ, lấy đi san hô đem về thì em không đưa ra đó lặn ngắm đâu” – lời dặn dò, đúng hơn là “nội quy” như thể bất di bất dịch mà anh Mai Tấn Thanh – một cư dân làm dịch vụ đưa du khách lặn ngắm san hô ở thắng cảnh Chùa Hang trên đảo Lý Sơn – đưa ra khiến chúng tôi hơi bất ngờ, có cả sự tò mò.

Anh Mai Tấn Thanh (phía trên cùng bên trái) hỗ trợ du khách ngắm san hô biển ở Chùa Hang.

Chúng tôi gật gù cái đầu như thể đồng ý thỏa hiệp trước yêu cầu của Thanh. Thanh đưa chúng tôi đi về hướng phía ca nô sử dụng pin năng lượng mặt trời để đi ra bãi cạn cách bờ khu vực Chùa Hang chừng 1 hải lý. Biển trong xanh quần lượn bởi những con sóng vỗ vào bờ. Mùi biển mặn hắt lên đặc quánh, rin rít làn da.

Chừng mươi phút thì ca nô đưa chúng tôi đến điểm lặn ngắm san hô. Đó là một bãi cạn rộng chừng 200 mét vuông, lúc thủy triều rút thì nước chỉ sâu ngang đến cổ người. Cả đoàn chúng tôi háo hức nhảy tùm xuống nước. Thanh đưa cho chúng tôi mỗi người một chiếc gương lặn, chỉ cách lấy hơn, ngụp lặn để ngắm được san hô.

Thật sự rất ngỡ ngàng. Những rạn san hô trải dài tít tắp, ngun ngút tầm mắt như rừng xanh giữa đại ngàn cao nguyên hùng vĩ. Chỉ khác rừng xanh ấy của cư dân đảo Lý Sơn nó ẩn mình dưới biển. San hô đủ loài, đủ sắc màu, từng đàn cá tung tăng bơi lội, chui nhảy vào núp trong rạn san hô khiến bất cứ ai trong chúng tôi đều thích thú, vui ngắm.

Tác giả trải nghiệm lặn ngắm rừng san hô Lý Sơn.

Ngoi lên khỏi mặt nước sau những lần lặn ngắm san hô, anh Thanh hỏi cả đoàn: “Thấy rừng san hô Chùa Hang của tụi em đẹp không quý anh, chị?”. Chỉ cần nghe câu hỏi đó, cả đoàn chúng tôi đáp lời ngay bằng một từ nghe có vẻ hơn mỹ miều mà thật bụng thật dạ: Đẹp!.

Cho đoàn chúng tôi xin vài thân san hô về làm kỷ niệm anh Thanh nhé?. Thanh liền xua tay, nói thẳng: Không được!. “Ai ra đây lặn ngắm cũng xin một cây san hô đem về làm kỷ niệm như anh, chị thì còn gì rừng san hô nữa. Trơ trọi ngay. Dân tụi em có thể cho các anh chị vỏ sò, vỏ ốc về làm kỷ niệm chứ riêng việc xin lấy đi san hô thì không được” – Thanh nhất quyết.

Hưởng lợi vui… ngất

Anh Thanh bảo, hồi trước, bản thân anh cũng như người dân trên đảo chưa hiểu hết những “đặc ân” từ mỗi rạn san hô biển mang lại nên thờ ơ trong việc gìn giữ, làm cho nhiều rạn san hô bị phá hoại, du khách ra Lý Sơn không có cơ hội được lặn ngắm san hô, tôm cá quanh bờ cũng bỏ đi biệt tăm, giờ mới thấy cái lợi.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Tụi tui không ăn tạp kiểu ấy nữa, phải ăn kiểu khác. Đó là cùng bảo vệ rừng san hô dưới biển để buộc san hô biển đẻ ra tiền” – ông Nguyễn Cổ, một cư dân đảo Bé thuộc xã đảo An Bình (Lý Sơn) bày tỏ.

Nói đoạn ông Cổ giải thích, buộc san hô đẻ ra tiền là khi mình giữ được những rạn san hô đẹp như hiện giờ thì khách du lịch đến lặn ngắm san hô rất đông rồi tôm cá cũng có chỗ cư ngụ, sinh sản,… nên bà con làm du lịch cũng sống được và chính ngư dân cũng có thu nhập từ nghề khai thác hải sản ven bờ.

“Từ ngày du khách trải nghiệm ngắm san hô biển, tôi sắm cái thúng, mỗi ngày đưa khách ra bãi cạn lặn ngắm san hô cũng bỏ túi vài trăm ngàn đồng. Vui lắm. Nhờ giữ được rừng san hô này mới được hưởng lợi như vậy chứ đâu có dễ” – ông Cổ nói vui.

Những “vạt rừng” san hô tuyệt đẹp có được nhờ sự quyết tâm bảo vệ của người dân Lý Sơn.

Ở đảo Lý Sơn, những rạn san hô ở Hang Câu, Chùa Hang, Cổng Tò Vò, đảo Bé,… đang dần được phục hồi nhanh chóng, trở thành “thế mạnh” cho phát triển du lịch tại địa phương. Các dịch vụ lặn ngắm san hô biển ở đảo Lý Sơn đang hút khách, mang lại thu nhập cao cho người dân.

“Đâu chỉ người làm du lịch có tiền. Tôi đây cũng có thu nhập nhờ vào san hô biển ở đảo. Cá tôm về quanh các rạn san hô giờ nhiều lắm. Mỗi đêm khai thác đều có thu nhập, có hôm trúng lớn thu cả bạc triệu. Cũng nhờ rừng san hô chứ như hồi xưa tàn phá san hô đem bán làm cho con tôm con cá quanh bờ cũng bỏ đi biệt tăm. Giờ nó về nhiều rồi, vui lắm, phải cố sức giữ rừng san hô ở đảo để sống” – lão ngư Phạm Thanh cười khà khà.

“Địa phương đã phục hồi lại được các rạn san hô biển và đang nỗ lực để bảo tồn các rừng san hô. Người dân đã thấy được cái lợi nên đều ra sức bảo vệ, không còn tàn phá san hô như trước đây. Huyện đang tiếp tục tuyên truyền cho người dân rồi tuyên truyền cho cả khách du lịch cùng gìn giữ san hô biển để hưởng lợi từ san hô” – bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn nói.

Tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng phục hồi rạn san hô ven bờ Lý Sơn” và lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái biển đảo.


Bài, ảnh: Võ Minh Huy