BVR&MT – Không chỉ tác dụng phòng hộ, chắn sóng, cánh rừng ngập mặn Bàu Cá Cái còn mở ra hướng thoát nghèo cho người dân trong vùng nhờ những sản vật từ rừng và phát triển du lịch
Những ngày cuối tháng 10-2021, khi mưa bão quét qua các tỉnh, thành miền Trung khiến cây cối khắp nơi xơ xác thì ở cánh rừng ngập mặn Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chạy dọc theo vùng đầm lầy ven biển như một bức tường xanh chắn bão.
Trân quý quà thiên nhiên tặng
Ông Dương Sớt (64 tuổi; thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận) cho biết khu rừng ngập mặn Bàu Cá Cái vốn đã có từ hàng trăm năm qua, gồm đủ các loại cây cối, vây quanh những xóm nhỏ ở thôn Thuận Phước và là “nguồn sống” của người dân nơi đây. Không chỉ góp phần hỗ trợ phòng chống bão, rừng ngập mặn Bàu Cá Cái còn đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, người dân xung quanh. Rất nhiều hộ dân ở đây, ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ trong đầm, còn nuôi thả cua xanh, nuôi tôm tự nhiên để tăng thu nhập.
“Các bậc cao niên trong các làng xung quanh Bàu Cá Cái ngày xưa thấy được lợi ích từ việc giữ rừng nên cùng nhau ký vào hương ước, thỏa thuận giữ rừng. Bởi vậy, qua hàng trăm năm, rừng này có lúc mỏng, lúc dày nhưng dù thế nào, người dân ở đây tuyệt nhiên không bao giờ đụng đến cây rừng” – ông Sớt kể.
Chỉ đến khi nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên, cộng thêm biến đổi khí hậu, hệ sinh thái nơi đây bị tác động tiêu cực, khiến rừng ở Bàu Cá Cái ngày càng thưa thớt. Đến năm 2014, một dự án phục hồi rừng ven biển nhằm tăng cường khả năng chống chịu đối với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam, do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện, thông qua sự điều phối của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam. Dự án trồng chủ yếu hàng triệu cây cóc trắng, trên diện tích hơn 65 ha xung quanh Bàu Cá Cái. Nhờ đó, rừng ở Bàu Cá Cái được mở rộng và không còn thưa thớt.
Người dân hưởng lợi
Ông Tạ Quang Sỹ (thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận) cho biết vùng quê này nằm ven biển, sông nước bao bọc xung quanh. Mỗi lần mưa bão xuất hiện là nhà cửa bị sạt lở, ruộng đồng bị bồi lấp, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân. “Những năm gần đây, nhờ có rừng cóc trắng che chắn, nên tác hại của bão đã giảm đi đáng kể. Nhà và cây cối của người dân xung quanh không bị ảnh hưởng nhiều bởi gió bão các hướng ập tới vì đã có rừng cóc trắng che chắn. Ngay cả mùa hè, bầu không khí cũng dịu mát hơn trước đó rất nhiều” – ông Sỹ phấn khởi.
Trưởng thôn Thuận Phước Lê Quang Thanh cho biết kể từ khi cây cóc trắng được trồng lên ở Bàu Cá Cái, hệ sinh thái cải thiện rõ rệt. Rừng ở đây không chỉ giúp chắn gió bão mà còn thu hút các loài chim, cò về đây cư trú, sinh sản rất nhiều. Dưới các luồng lạch, các loài thủy sản: cá, ốc, cua cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, trong vài năm qua, thời điểm chưa có dịch bệnh, nhờ có cánh rừng Bàu Cá Cái, lượng khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên rất đông, đem lại nguồn thu lớn cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Hải, một trong nhiều hộ tham gia chở khách du lịch ở Bàu Cá Cái, cho biết ngày trước gia đình bà chủ yếu sống nhờ đánh bắt tôm cá quanh Bàu Cá Cái. Đến năm 2019, khi có nhiều người tới đây du lịch, chụp ảnh, gia đình bà chuyển qua công việc chở khách đi tham quan, buôn bán nhỏ. “Thời điểm chưa có dịch, mỗi ngày gia đình tôi chở cũng được 3-4 chuyến, thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày. Thời gian qua, do dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách giảm hẳn. Chúng tôi mong muốn hoạt động du lịch ở đây phát triển hơn để có thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con” – bà Hải bày tỏ.
Sẽ giao khoán cho người dân bảo vệ Ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, cho biết từ năm 2014 đến nay, dự án Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư đã trồng hơn 65 ha rừng ngập mặn tại Bàu Cá Cái. “Trong giai đoạn đầu trồng được 45 ha. Từ năm 2019 đến nay, dự án tiếp tục trồng thêm khoảng 22,5 ha (kế hoạch 25 ha). Hiện số cây trồng giai đoạn đầu phát triển rất tốt, người dân xung quanh hưởng lợi rất lớn từ dự án. Nhiều hộ dân nhờ rừng ngập mặn đã khoanh vùng nuôi tôm, cá, phát triển du lịch” – ông Đại hồ hởi. Cũng theo ông Đại, trước những lợi ích lớn rừng ngập mặn Bàu Cá Cái mang lại cho cộng đồng, trong thời gian tới (khi giai đoạn 2 dự án hoàn thành), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi sẽ tính phương án giao khoán hoàn toàn diện tích rừng ngập mặn ở Bàu Cá Cái cho người dân bảo vệ; tạo điều kiện cho người dân ven biển nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái. |