BVR&MT – Giới đồ cổ nước Anh đã thất bại trong nỗ lực lật ngược lệnh cấm hoàn toàn buôn bán ngà voi của chính phủ nước này sau khi tòa án tối cao phán quyết rằng lệnh cấm không vi phạm luật pháp châu Âu.
BVR&MT – Các nhóm bảo tồn – vốn cho rằng giảm bớt lệnh cấm sẽ làm hồi sinh nạn săn trộm voi bất hợp pháp – hoan nghênh quyết định vì nó góp phần giữ vững vị trí đi đầu của Vương quốc Anh trong cuộc chiến chống buôn bán ngà voi trên thế giới.
Tháng trước, một nhóm nhỏ các nhà buôn đồ cổ đã khiếu nại lệnh cấm lên tòa án tối cao, cho rằng việc bán các “di sản văn hóa” không gây ra tác động đến thị trường ngà bị đánh cắp trái phép.
Đạo luật Ngà 2018 – vốn được tất cả các đảng ủng hộ – vẫn chưa có hiệu lực. Đạo luật này hình sự hóa mọi hoạt động buôn bán các đồ chế tác từ ngà (chỉ miễn trừ cho vài trường hợp liên quan đến nghệ thuật). Lệnh cấm được cựu Thư ký Bộ trưởng Môi trường Michael Gove ủng hộ nhiệt thành kèm lời giới thiệu “đây là một trong những lệnh cấm khó khăn nhất thế giới về việc bán ngà voi để bảo vệ voi cho các thế hệ tương lai”.
Khiếu nại được một công ty mới thành lập có tên Friends of Antique Cultural Treasures (FACT) đệ trình lên tòa án, nhưng các khoản tiền tài trợ cho công ty lại được chuyển qua kênh Hội những người buôn đồ cổ Anh (BADA). Giới đồ cổ cho rằng lệnh cấm can thiệp vào quyền sở hữu cá nhân, do đó làm suy yếu công ước châu Âu về quyền con người.
Mary Rice, Giám đốc điều hành của Cơ quan điều tra môi trường (EIA), hân hoan: “Phán quyết là một chiến thắng cho lẽ phải và duy trì vị thế hàng đầu toàn cầu trong việc chống lại nạn buôn bán ngà voi bất hợp pháp”.
EIA là một phần trong liên minh gồm 11 tổ chức bảo tồn ủng hộ Đạo luật Ngà, cho rằng bất kỳ hoạt động buôn bán hợp pháp nào về ngà voi đều thành vỏ bọc cho buôn lậu vì rất khó phân biệt giữa ngà cổ và ngà mới chạm khắc. Vương quốc Anh là một trong những nước xuất khẩu ngà voi cổ hàng đầu thế giới, đặc biệt là tới Trung Quốc và Hồng Kông.
Ủy ban châu Âu đang xem xét các hạn chế hơn nữa đối với thương mại ngà trên toàn EU, một phần dựa trên Đạo luật Ngà voi của Anh. Các quốc gia khác, chẳng hạn như Singapore, Úc và New Zealand, đã giới thiệu hoặc đang xem xét luật tương tự.
John Stephenson, Giám đốc điều hành chiến dịch Stop Ivory cho biết: “Khiếu nại về luật mới đi ngược lại với dư luận Anh vốn ngày càng đặt việc bảo tồn thiên nhiên cao hơn lợi nhuận. Chúng tôi hy vọng vấn đề chấm dứt ở đây và chính phủ tiếp tục thực thi luật này mà không bị ngăn cản thêm nữa”.
Các nhà bảo tồn ước tính có đến 55 cá thể voi châu Phi bị săn trộm mỗi ngày.
David Cowdrey, người đứng đầu bộ phận Chính sách và Chiến dịch thuộc International Fund for Animal Welfare chỉ rõ: “Chúng tôi rất vui mừng khi biết rằng tòa án tối cao đã bác bỏ yêu cầu của giới đồ cổ nhằm lật ngược Đạo luật Ngà. Đây là một ngày tuyệt vời đối với voi và với tất cả những người đã chiến đấu hết sức để biến lệnh cấm ngà của Vương quốc Anh trở thành một trong những lệnh cấm nghiêm ngặt nhất trên thế giới”.
Nhật Anh (Theo Guardian)