Giờ Trái đất 2021: Lên tiếng vì thiên nhiên

BVR&MT – Vào 20 giờ 30 phút ngày 27/3 sẽ diễn ra sự kiện Giờ Trái đất, một trong những chiến dịch lớn nhất toàn cầu về môi trường. Tại Việt Nam, Giờ Trái đất kêu gọi tất cả mọi người cùng “Lên tiếng vì thiên thiên”, tập trung vào hai chủ đề Tiết kiệm năng lượng – Giảm phát thải khí nhà kính và Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên.

Mối liên hệ giữa tàn phá thiên nhiên và bùng phát dịch bệnh

Giờ Trái đất quy tụ hàng trăm triệu cá nhân, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới cùng nâng cao nhận thức và hành động để giải quyết vấn đề cấp bách của toàn cầu – cuộc khủng hoảng khí hậu, mất đa dạng sinh học và thiếu hụt các nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên năng lượng, diễn ra với tốc độ chưa từng có.

Tắt đèn được phát động trong vòng một giờ nhằm biểu thị ý thức của con người đối với tiết kiệm năng lượng, và hơn thế nữa là với các nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học và thiên nhiên nói chung.

Giờ Trái đất 2021 cũng là dịp chúng ta suy ngẫm về mối liên hệ giữa việc tàn phá thiên nhiên và sự bùng phát của những dịch bệnh toàn cầu như Covid-19, cũng như kêu gọi sự đoàn kết của hàng triệu người qua hình thức trực tuyến, cùng lên tiếng vì thiên nhiên.

Sự kiện toàn cầu này diễn ra ngay trước cột mốc mà các nhà lãnh đạo trên thế giới cần đưa ra những quyết sách quan trọng về thiên nhiên, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, định hướng tương lai của nhân loại.

Một loạt các thảm họa nhân loại diễn ra trên toàn thế giới trong năm 2020, bao gồm hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng trên diện rộng và sự bùng phát đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy việc ngăn chặn những tổn thất của thiên nhiên là hành động cấp bách để bảo vệ tương lai của chính chúng ta.

Báo cáo đánh giá về các mục tiêu đa dạng sinh học năm 2020 cho thấy, thế giới đã không đạt được các mục tiêu ngăn ngừa tổn thất thiên nhiên được đề ra cách đây một thập kỷ. Chính vì vậy, Giờ Trái đất là một thời khắc then chốt để các tổ chức xã hội dân sự, các cá nhân, doanh nghiệp và các nhà hoạt động vì môi trường kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới xây dựng lộ trình phục hồi cho thiên nhiên vào năm 2030.

Người dân thắp nến biểu tượng trái đất vào Giờ Trái đất ở cổng Brandenburg, Đức năm 2019.

Các hệ sinh thái tự nhiên khỏe mạnh là nền tảng để các xã hội phát triển thịnh vượng, bình đẳng và bền vững. Các mô hình kinh tế – xã hội hiện tại của chúng ta đang tàn phá thiên nhiên một cách khốc liệt, khiến chúng ta dễ bị tổn thương trước các đại dịch, đẩy nhanh biến đổi khí hậu và khiến sinh kế gặp rủi ro.

Năm 2021 là một năm quan trọng đối với nhân loại. Khi thế giới cố gắng lật ngược tình thế và phục hồi sau những thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và xây dựng lại, chúng ta cần tập trung nỗ lực phục hồi thiên nhiên để bảo vệ nền kinh tế và xã hội của chúng ta trong tương lai.

Kêu gọi tiết kiệm năng lượng, giảm rác thải nhựa trong Giờ Trái đất tại Việt Nam

Trước tốc độ mất đa dạng sinh học với tốc độ chưa từng có và sự suy thoái nghiêm trọng của thiên nhiên, tại Việt Nam, Giờ Trái đất kêu gọi tất cả mọi người cùng “Lên tiếng vì thiên thiên”, tập trung vào hai chủ đề Tiết kiệm năng lượng – Giảm phát thải khí nhà kính và Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên.

Thông điệp kêu gọi tất cả mọi người suy ngẫm về mối liên kết giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài, để từ đó có những hành động và đóng góp cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề môi trường lớn hiện, đặc biệt là tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới đảm bảo mục tiêu mà Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã đặt ra, và hạn chế tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm đạt mục tiêu không còn rác thải nhựa trong môi trường tự nhiên.

Giờ Trái đất năm nay do WWF, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công thương đồng tổ chức. Cùng với các quốc gia khác trên thế giới, Giờ Trái đất tại Việt Nam năm nay sẽ tập trung vào các hoạt động trực tuyến và mạng xã hội.

Đặc biệt, một Tọa đàm với chủ đề về Giờ Trái đất, dự kiến, sẽ được phát sóng trên kênh VTV1 lúc 20 gờ ngày 27/3. Chương trình là một diễn đàn trong đó các nhà hoạch định chính sách trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các cá nhân sẽ chia sẻ những thách thức về môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt, kế hoạch hành động quốc gia và những kinh nghiệm quốc tế để giải quyết các vấn đề đó. Những mô hình thành công, những câu chuyện đổi thay được chia sẻ trong tọa đàm cũng hy vọng có thể truyền cảm hứng hành động tới công chúng.

Truyền thông mạng xã hội cũng sẽ được bắt đầu từ ngày 19/3 với tiêu điểm là ngày Giờ Trái đất 27/3, tập trung vào hai vấn đề phát thải khí nhà kính và rác thải nhựa.

Thử thách 30 ngày sống xanh sẽ mở đầu cho chiến dịch Giờ Trái đất trên mạng xã hội, trong đó kêu gọi và truyền cảm hứng cho các cá nhân thực hiện các hành động thân thiện với môi trường như một tuần đi xe đạp, ăn chay, không bỏ phí thức ăn, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình, công sở và nơi công cộng…

Người tham gia sẽ chia sẻ hình ảnh thực hiện thử thách của mình và kêu gọi bạn bè, người thân cùng tham gia.

Bốn cách để sống xanh mỗi ngày

• TỪ CHỐI: Học cách từ chối nói không với nhựa dùng một lần không cần thiết như ống hút nhựa, thìa nhựa… bằng cách mang đồ cá nhân bên mình mỗi khi ra ngoài. Vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa an toàn sức khỏe lại vừa bảo vệ môi trường;

• TÁI SỬ DỤNG: Đừng vội vứt bỏ những đồ nhựa còn sử dụng được, như chai hộp nhựa đã qua sử dụng. Chúng ta có thể rửa thật sạch, để khô, chúng sẽ rất hữu ích cho mỗi lần đi chợ hay mua sắm sau đó. Ngoài ra những đồ nhựa này có thể dễ dàng được tái chế để trở thành những đồ vật trang trí hoặc chậu cây nhỏ trong nhà.

• TIẾT GIẢM: Giảm mua sắm và sử dụng các sản phẩm, đồ dùng không cần thiết để hạn chế lượng rác và bao bì thải ra môi trường sau khi sử dụng. Hãy cân nhắc kỹ trước khi mua một món đồ mới.

• TÁI CHẾ: Rác thải nhựa nếu được thu gom, phân loại và tái chế hợp lý thì sẽ trở thành một nguồn tài nguyên có giá trị, không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp cho môi trường được bảo vệ, không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên.