Gìn giữ nét đẹp truyền thống

BVR&MT – Từ lâu xã Bản Hon được biết đến là điểm du lịch cộng đồng lý tưởng của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ngoài cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, chính những nét đẹp văn hóa truyền thống được bà con giữ gìn, phát triển là lí do thu hút du khách.

Xã Bản Hon chủ yếu là dân tộc Lự sinh sống, trải qua thời gian, nét đẹp văn hóa đồng bào vẫn trường tồn theo năm tháng. Có dịp ghé thăm xã Bản Hon và dừng chân tại bản du lịch cộng đồng: Bản Hon 1, 2, du khách được hòa mình vào cuộc sống bình yên nơi bản làng, thưởng thức ẩm thực đậm đà hương vị núi rừng như: thịt chua vùi gió, rau rừng, xôi ba màu… Tại nhà ông Lò Văn Sâu (bản Hon 2, có 3 năm làm du lịch cộng đồng và có thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm đã trừ chi phí từ nghề này), trong câu chuyện chúng tôi, ông chia sẻ, để níu chân du khách, tôi tu sửa nhà ở, xây dựng công trình nhà tắm, nhà vệ sinh đảm bảo sạch đẹp. Quan trọng nhất là giữ được nét đẹp kiến trúc nhà sàn cho khách tham quan tìm hiểu. Nhà sàn của người Lự chủ yếu được làm bằng gỗ, mái lợp cỏ gianh nên ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Ngoài ra, tôi vận động con cháu gìn giữ, tập luyện các bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc biểu diễn cho du khách.

Phụ nữ dân tộc Lự ở bản Đông Pao 1 dệt vải.

Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, chúng tôi rất ấn tượng vẻ đẹp của phụ nữ dân tộc Lự từ tính cách dịu dàng đến trang phục truyền thống độc đáo. Trang phục của chị em trang trí hoa văn sinh động với nhiều gam màu: đỏ, vàng, xanh, đen được thêu, dệt tỉ mỉ, kỳ công. Điều đặc biệt là những bộ váy, áo này đều do chính bàn tay người phụ nữ Lự thêu, dệt. Mặc dù hiện nay do kinh tế phát triển, bà con dân tộc Lự dễ dàng mua được trang phục ngoài chợ, tuy nhiên họ vẫn tự dệt, may trang phục cho các thành viên gia đình. Do vậy, gần như nhà nào cũng có khung cửi, dụng cụ se sợi dệt vải, trồng bông lấy nguyên liệu dệt vải. Nhất là vào những ngày nông nhàn, đến các bản: Chăn Nuôi, Đông Pao, Bản Thẳm, từ đầu bản, du khách sẽ nghe rõ những âm thanh lách cách phát ra từ khung cửi. Và, hình ảnh cô gái Lự trong trang phục truyền thống cẫn mẫn ngồi dệt bên khung cửi để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Chị Tao Thị Sum (bản Đông Pao 1) tâm sự: “Từ nhỏ, mình được mẹ truyền dạy cho cách thêu thùa, dệt vải. Khi có thời gian rảnh rỗi, mình lại dệt vải may quần áo cho các thành viên trong gia đình. Thông thường để dệt được vải may 1 chiếc váy mất gần 2 tháng. Gần đây có nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến bản tham quan rất hứng thú với các sản phẩm dệt, thêu thùa nên mình còn làm thêm túi, khăn bán, vừa có thêm thu nhập vừa giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc”.

Gìn giữ nghề dệt của dân tộc Lự, xã Bản Hon phối hợp với cơ quan chuyên môn mở lớp dạy nghề thêu, dệt cho thế hệ trẻ. Vận động bà con phát triển nghề dệt, tạo ra các các sản phẩm du lịch thu hút du khách. Đồng thời, duy trì, khôi phục làn điệu dân ca, múa, nhạc cụ dân tộc (sáo, kèn, đàn nhị, trống). Đến nay, xã Bản Hon thành lập được 5 đội văn nghệ ở các bản: Bản Hon 1, 2, Đông Pao 1, 2, Chăn Nuôi. Trung bình các đội văn nghệ có từ 8 – 10 người đều có chung đam mê ca hát, mong muốn giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình với các dân tộc khác trong và ngoài địa phương.

Cùng với đó, xã duy trì các trò chơi dân gian: kéo co, đẩy gậy, tung còn, đánh cù tại các lễ, hội. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xã tích cực triển khai, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thứ bảy hàng tuần, bà con tổ chức dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh đảm bảo môi trường xanh – sạch – đẹp. Các tổ chức đoàn thể tuyên truyền tới bà con thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, hạn chế tình trạng sinh con thứ 3. Tổ chức cho 100% hộ gia đình, khu dân cư ký cam kết phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy.

Đến nay, toàn xã có 431 hộ gia đình văn hóa, 7/9 bản văn hóa; nhiều lễ, hội, giải thi đấu thể thao được tổ chức với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, tính riêng 6 tháng đầu năm, xã Bản Hon có 18 đoàn với 200 khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu văn hóa dân tộc. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, để Bản Hon trở thành một trong những điểm đến lý tưởng mà du khách lựa chọn mỗi khi về Lai Châu.