Giám sát Quản trị rừng và Thương mại gỗ bền vững

BVR&MT – Ngày 21/10 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD); EU (nhà tài trợ) và Tổng cục Lâm nghiệp – VNFOREST đã tổ chức diễn đàn 3 bên lần 3 về “Giám sát Quản trị rừng và Thương mại gỗ bền vững”.

Diễn đàn được tổ chức nhằm cập nhật, chia sẻ thông tin về Quản trị rừng và VPA, xác định các thách thức và cơ hội cho các Tổ chức xã hội tham gia thực thi, giám sát VPA/FLEGT.

Bà Vũ Thị Bích Hợp, Giám đốc điều hành SRD phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Trước đó, Vào tháng 1/2018, Diễn đàn giám sát Quản trị rừng đầu tiên với chủ đề “Tổ chức xã hội và giám sát quản trị rừng” đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 90 đại biểu quốc gia và quốc tế từ các cơ quan Chính phủ, các Tổ chức nghiên cứu, các Tổ chức phi chính phủ, các Hiệp hội, các Tổ chức quốc tế và truyền thông. Sau đó, ngày 17 tháng 01 năm 2019, tại Hà Nội, Diễn đàn Giám sát Quản trị rừng lần thứ hai “Cơ chế cho các tổ chức xã hội tham gia vào việc theo dõi Thỏa thuận Đối tác tự nguyện thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)” đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 80 đại biểu quốc gia và quốc tế từ các cơ quan Chính phủ, các Tổ chức nghiên cứu, các Tổ chức phi chính phủ, các Hiệp hội, các Tổ chức quốc tế và truyền thông.

Phát biểu tại hội thảo, ông Matthieu Penot – Tùy viên hợp tác thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: trong những năm qua ở những vùng biển Việt Nam, tình hình vận chuyển gỗ diễn ra rất phức tạp, và hiện nay việc này vẫn đang diễn ra. Nếu tiếp tục tiếp diễn tình trạng này sẽ gây bất lợi lớn đối với Việt Nam trong việc xuất khẩu gỗ sang các thị trường nước ngoài, trong đó có liên minh châu Âu EU. Theo đó Hiệp định VPA và EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích, góp phần chấm dứt vấn đề này, và trong tương lai những lâm sản, gỗ của Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang thị trường EU một cách hợp pháp. Tuy vậy, để làm được điều này, thời gian tới Việt Nam cần tăng cường giám sát để quản trị rừng và thương mại gỗ bền vững, phải có sự hợp tác chặt chẽ của các bên như chính quyền, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội… trong việc ngăn chặn khai thác gỗ tự phát, giảm hoạt động bất hợp pháp từ gỗ, tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu…

Toàn cảnh Diễn đàn.

Trình bày về Quản trị rừng tại Việt Nam – Cập nhật từ quan điểm các tổ chức xã hội thông qua các nghiên cứu thực hiện bởi SRD, ông Nguyễn Phú Hùng – Phó giám đốc, quản lý dự án EVFTA, SRD cho biết: Việc thực hiện nghiên cứu nhằm đánh giá mức độ minh bạch trong sản xuất lâm nghiệp khi thực thi VPA-FLEGT nhằm làm cơ sở cho những đánh giá tác động trong tương lai. Đồng thời xác định những trở ngại trong quá trình thực thi cam kết về tính minh bạch theo như mong đợi của VPA-FLEGT, từ đó đề xuất kiến nghị để thúc đẩy tính minh bạch trong sản xuất lâm nghiệp.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến: hệ thống giám sát quản trị rừng- dự án V4MF; Quản trị rừng tại Việt Nam- cập nhật từ quan điểm các tổ chức xã hội; thách thức, cơ hội và giải pháp cho các bên liên quan ngoài nhà nước tham gia vào quá trình thực hiện và giám sát việc chuẩn bị và thực hiện VPA FLEGT và EVFTA; Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam: tại sao lại quan trọng đối với quản trị rừng và làm thế nào để các tổ chức xã hội có thể tham gia; rủi ro nhập khẩu gỗ: 10 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào Việt Nam…

Thạch Thảo