BVR&MT – Chỉ giảm nhẹ biến đổi khí hậu là chưa đủ. Thích ứng với biến đổi khí hậu là điều bắt buộc. Ưu tiên hàng đầu của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn trên toàn thế giới là cải thiện hệ thống cảnh báo sớm.
Trong bản Thông điệp ngày khí tượng thế giới 2024 (23/3), GS. Celeste Saulo – Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới nhấn mạnh, các Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia thành viên của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực vậy, Cộng đồng WMO luôn nỗ lực cung cấp các công cụ và kiến thức để giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi vậy, chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới năm nay là “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”.
Theo bà Celeste Saulo, ứng phó biến đổi khí hậu có ý nghĩa khác nhau đối với từng cá nhân. Nhưng tất cả chúng ta đều công nhận rằng đây là nhiệm vụ cấp bách, cần thiết và phải cùng nhau chung tay ứng phó.
“Cộng đồng khí tượng thủy văn có nhiệm vụ thu thập, chia sẻ, phân tích dữ liệu về thời tiết, nước, môi trường và giúp chúng ta hiểu được những gì đã và đang xảy ra với khí hậu hiện nay.
Chúng ta không thể quản lý những gì mà chúng ta không đo lường được, đây là tôn chỉ của WMO từ khi được thành lập. Chúng ta tự hào với lịch sử hơn 150 năm về chia sẻ dữ liệu và các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất”, bà Celeste Saulo nhìn nhận.
Trên cơ sở đó, WMO đã khởi xướng Chương trình Giám sát khí nhà kính toàn cầu nhằm tạo ra nhiều hơn các giải pháp hỗ trợ việc ra quyết định và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, bà Celeste Saulo nhấn mạnh: “Chỉ giảm nhẹ biến đổi khí hậu thôi là chưa đủ, thích ứng với biến đổi khí hậu là điều BẮT BUỘC”. Đối với nhiều người, đây là vấn đề sống còn”.
Bà Celeste Saulo cho rằng, ưu tiên hàng đầu của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn trên toàn thế giới là cải thiện hệ thống cảnh báo sớm. Đây là vấn đề then chốt trong công tác thích ứng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều quốc gia vẫn chưa có đủ khả năng để cung cấp những thông tin cảnh báo sớm nhằm bảo vệ người dân.
“Đây là lý do tại sao chúng ta đang cùng cộng đồng Thế giới triển khai sáng kiến “Cảnh báo sớm dành cho tất cả” nhằm đạt mục tiêu đến cuối năm 2027, tất cả người dân trên Trái đất đều có thể tiếp cận với thông tin dự báo, cảnh báo sớm một cách chính xác, kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại về sinh mạng do thiên tai gây ra”, GS. Celeste Saulo – Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới thông tin.
Hiện đại hóa để nâng cao chất lượng dự báo
Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV), Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai. Do tác động của BĐKH nên những năm gần đây thiên tai khốc liệt, cực đoan, bất thường, tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ” ngày càng phổ biến, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.
Dự báo xu thế thiên tai này còn tiếp tục trong thời gian tới theo hướng cực đoan và bất thường hơn. Thực tế này đòi hỏi ngành KTTV phải không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai.
Với nhu cầu của xã hội đối với thông tin KTTV ngày càng chi tiết-định lượng hơn, ngành KTTV Việt Nam đã từng bước hiện đại hóa để nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt trong vấn đề dự báo thời tiết nguy hiểm, mang tính cực đoan gồm mưa lớn, mưa cực trị, tác động của bão.
Từ các hệ thống quan trắc nặng tính thủ công đã chuyển sang các hệ thống quan trắc tự động. Các loại quan trắc thám sát mới đã được ứng dụng trong công tác cảnh báo thời tiết nguy hiểm tức thời từ hệ thống định vị sét toàn cầu từ vệ tinh và hệ thống định vị dông sét mặt đất hiện đại của Phần Lan.
Đối với việc ứng dụng công nghệ dự báo số, từ cuối năm 2018, với việc triển khai một cách đồng bộ từ việc nâng cấp tính toán (hệ thống siêu máy tính CrayXC40) cùng việc đan dầy-đa dạng hóa công nghệ quan trắc đã bước đầu cho phép thử nghiệm công nghệ đồng hóa số liệu song song với công nghệ mô hình dự báo số chi tiết-phân giải cao vào trong nghiệp vụ dự báo thời tiết tại Tổng cục KTTV.