Giảm nghèo ở Pom Khuông

BVR&MT – Bản Pom Khuông, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa chủ yếu là đồng bào người Mông. Là một bản người Mông ở vùng cao biên giới, trong những năm qua đồng bào bản Pom Khuông luôn thực hiện nghiêm túc đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước; tích cực thi đua thực hiện “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Bản Pom Khuông, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa chủ yếu là đồng bào người Mông
Bản Pom Khuông, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa chủ yếu là đồng bào người Mông

Mường Lát, Thanh Hóa là huyện miền núi, vùng cao, biên giới nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 93%. Nơi đây, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, tỷ lệ hộ nghèo tỉ lệ cao là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của địa phương. Thời gian qua, Huyện Mường Lát đã chú trọng phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Qua đó, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo UBND xã Tam Chung đồng bào trên địa bàn luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế. Trong công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, đã có nhiều tấm gương tiêu biểu vươn lên thoát nghèo từ xây dựng mô hình kinh tế nhỏ hiệu quả. Từ những tuyên truyền đó, nhiều thanh niên người Mông đã tìm ra hướng thoát nghèo và trở thành tấm gương thoát nghèo sáng cho bà con trong bản loi theo học tập. Anh Lý Seo Châu một trong những thanh niên trẻ người Mông ở bản Pom Khuông đã tiên phong trong phát triển kinh tế. Tận dụng diện tích đất trên đồi để trồng rừng kinh tế, anh còn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi thêm trâu bò. Nhờ nỗ lực vượt khó, gia đình anh đã thoát nghèo, trở thành hộ khá giả trong bản Pon Khuông. Việc thoát nghèo thành công của chàng thanh niên này đã xóa đi suy nghĩ di cư, đã khẳng định định cư lâu dài có thể thoát nghèo có của ăn của để, làm giàu chính đáng.

Nhiều thanh niên người Mông đã thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi bò.
Nhiều thanh niên người Mông đã thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi bò.

Với những nỗ lực vươn lên thoát nghèo của bản thân và gia đình, hình thành uy tín, anh Lý Seo Châu đã được bầu làm trưởng bản. Phát huy tinh thần gương mẫu mong muốn giúp đồng bào trong bản thoát nghèo, anh đã tuyên truyền giúp được nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông trong bản thoát nghèo, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập. Chia sẻ niềm vui, anh Lý Seo Châu bản Pom Khuông, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thực hiện tuyên truyền chương trình giảm nghèo, hưởng ứng nhiều giải pháp thoát nghèo hướng đến, để nhân dân trong bản càng ngày càng tốt hơn. Hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch cho gia súc gia cầm tiêm phòng theo đợt. Tiếp tục vận động người dân mua bò, trâu để vỗ béo, trồng cỏ voi cho bò, trâu để thu nhập ngày một tăng thêm.

Hiện nay, ở các huyện vùng cao tỉnh Thanh Hóa người Mông có gần 15 nghìn người phần lớn đồng bào di cư tự do chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc xuống. Bà con sống chủ yếu ở các huyện giáp biên giới Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa. Tuyên truyền đến đồng bào định cư, ổn định phát triển kinh tế đến đồng bào Mông không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị, xã hội, mà còn là bảo vệ chủ quyền biên giới. Phát huy những tấm gương tiêu biểu phát triển kinh tế tại vùng có đồng bào sinh sống là hết sức quan trọng. Từ đó có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, cải thiện đời sống đồng bào.

Văn Trì.