Giảm nghèo bền vững nhờ nguồn vốn ưu đãi

BVR&MT – Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ở tỉnh Hòa Bình đã có điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Để Hòa Bình có thể khai thác tiềm năng lợi thế và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã tập trung chỉ đạo việc xây dựng cơ cấu, cơ chế quản lý phù hợp; chuyển mạnh nền sản xuất tự nhiên sang sản xuất hàng hóa, lồng ghép các dự án, nguồn lực. Trong đó, chú trọng ưu tiên đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Nhờ vốn vay ưu đãi, gia đình anh Hứa Văn Hoàng đầu tư lồng nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà cho thu nhập cao.

Ông Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian qua, toàn đơn vị nỗ lực tham gia thực hiện đề án giảm nghèo nhanh, bền vững của địa phương thông qua việc tập trung huy động mọi nguồn lực, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn chính sách về tận làng bản, xã phường, tạo thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận dễ dàng các dịch vụ của NHCSXH.

Hiện nay, chi nhánh đang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn trên 3.554 tỷ đồng. Đến cuối 11/2021, tổng dư nợ các chương trình cho vay ưu đãi trên địa bàn đạt gần 3.600 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn địa phương đạt gần 60 tỷ đồng, với hơn 99.000 khách hàng còn dư nợ.

Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Toàn khẳng định, những năm qua, nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, nhiều hộ đồng bào nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển chăn nuôi…, từ đó vươn lên thoát nghèo, góp phần đáng kể trong việc giảm nghèo nhanh và bền vững theo mục tiêu tỉnh đề ra. Trong đó nổi bật là tỉnh đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững, với 29.000 lượt hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,38% năm 2015 xuống còn 9% năm 2020. Dự kiến cuối năm 2021, hộ nghèo giảm còn 6,6%. Kết quả này ghi nhận có sự chung tay, hợp lực của nguồn vốn tín dụng chính sách.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hứa Văn Hoàng, ở xã Sơn Thủy, huyện Mai Châu bộc bạch: “Trước kia thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào cây ngô, mấy sào lúa nước. Năm nào mưa thuận gió hòa thì được mùa, còn hạn hán thì mọi công sức đều đổ xuống sông xuống biển hết. Nhờ có chương trình hỗ trợ hộ nghèo của huyện về phát triển nghề nuôi cá lồng ở lòng hồ sông Đà, gia đình tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng mua vật liệu về làm lồng nuôi cá rô phi, trắm cỏ, cá chép. Sau 1 thời gian nuôi, tôi thấy đàn cá phát triển rất tốt chi phí đầu tư thấp, nên tôi tìm cách tăng số lượng lồng cá lên để nâng cao nguồn thu nhập”.

Nghĩ là làm, anh Hoàng mạnh dạn vay NHCSXH huyện Mai Châu 50 triệu đồng mua thùng phi, lưới, khung sắt… về làm 12 lồng thả các loại cá chép, trắm cỏ, rô phi đơn tính, các lăng, diêu hồng… phát triển kinh tế gia đình. Để có thêm kiến thức nuôi cá lồng, anh Hoàng còn khăn gói đi tìm hiểu các mô hình nuôi cá lồng ở huyện Mường La (Sơn La). Anh Hoàng tự tìm hiểu, đúc rút kinh nghiệm và áp dụng vào lồng cá của mình, nhờ vậy đàn cá của anh ngày càng phát triển khỏe mạnh, không bị dịch bệnh.

“Tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay, tất cả là nhờ nuôi cá lồng, tính đến nay tôi đã gắn bó với nghề nuôi cá được gần 10 năm. Tôi thấy nuôi cá lồng đỡ vất vả hơn làm nương rẫy, thu nhập lại cao, đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định. Bình quân 1 năm gia đình tôi thu nhập từ bán cá hơn 260 triệu đồng, gấp nhiều lần trồng các cây trồng khác”, anh Hoàng vui vẻ cho biết.

Gia đình bà Bùi Thị Chềnh trồng mía xuất khẩu.

Với mong muốn tiếp tục vươn lên, bà Bùi Thị Chềnh, dân tộc Mường ở xóm Chù Bụa, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc, với số vốn 50 triệu đồng vay ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Tân Lạc, để trồng cây mía tím.

Bà Chềnh tâm sự với chúng tôi: “Trước đây, gia đình tôi trồng cây mía trắng làm nguyên liệu sản xuất đường. Tuy nhiên, việc trồng mía nguyên liệu thu nhập cũng khá bấp bênh do giá bán thấp. Sau khi thấy mọi người trong xã trồng cây mía tím mang lại hiệu quả cao hơn, gia đình tôi chuyển sang trồng loại cây này. Do dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và có nhiều kinh nghiệm nên cây mía tím phát triển tốt, năng suất, chất lượng đường cao. Khó khăn nhất trong trồng cây mía tím đó là việc phòng trừ sâu bệnh, bởi không phát hiện sớm và phun phòng kịp thời rất dễ làm mía chậm phát triển sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Hiện nay, gia đình tôi đang trồng 8.000 m2 mía tím, bình quân cho thu nhập khoảng 250 đến 300 triệu đồng/năm. Cũng nhờ cây mía tím mà hiện nay, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định, con cái được ăn học đàng hoàng”.

“Nguồn vốn cho hộ mới thoát nghèo vay được xem là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn này kịp thời tiếp sức cho các gia đình tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững. Thời gian tới NHCSXH tỉnh tổ chức giải ngân kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách, giúp người dân khắc phục những khó khăn, vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19”, ông Nguyễn Minh Hưng khẳng định.