Giảm gánh nặng công việc không lương, tăng cơ hội việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số

BVR&MT – Vừa qua, tại Hà Nội, Trung tâm Phân tích và Dự báo – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (CAF), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin từ các nghiên cứu mới nhất về hiện trạng công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số và đề xuất giải pháp giải quyết gánh nặng này, góp phần thúc đẩy cơ hội tham gia vào thị trường lao động một cách công bằng cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.

Toàn cảnh hội thảo.

Trên thế giới, phụ nữ dành thời gian cho công việc chăm sóc không được trả lương nhiều hơn nam giới từ hai đến mười lần. Sự phân bổ không đồng đều về trách nhiệm chăm sóc này có liên quan đến các thể chế xã hội còn định kiến về vai trò giới. Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác dẫn đến gánh nặng công việc chăm sóc không lương (CVCSKL) bao gồm các công trình hạ tầng chưa đề cao tính nhạy cảm về giới hay thiếu dịch vụ chăm sóc có chất lượng.

Tại Việt Nam, gánh nặng CVCSKL nặng nề và bất bình đẳng đối với phụ nữ đã cản trở nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động có được việc làm được trả lương và việc làm bền vững. Khi dân số Việt Nam già hóa, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi không được trả công tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến phụ nữ. Trong khi đó, tình trạng già hóa dân số đòi hỏi phải tăng cường sự tham gia thị trường lao động của lao động nữ, gồm cả tăng số giờ làm việc và năng suất, để Việt Nam có thể tăng đáng kể GDP bình quân đầu người và đạt được tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 và thu nhập cao vào năm 2045.

Nhiều gánh nặng “bất bình” đối với phụ nữ DTTS

Theo nghiên cứu mới nhất, so với các nhóm CVCSKL khác nhau, phụ nữ đặc biệt chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với nam giới gánh trách nhiệm việc nhà thường nhật. Mỗi tuần, thời gian phụ nữ dành để làm CVCSKL nhiều hơn 8,3 giờ so với nam giới. Khoảng cách giới lớn nhất được phát hiện trong thời gian làm việc nhà thường nhật, tiếp đến là thời gian chăm sóc trẻ em, trong khi khoảng cách nhỏ nhất là với các công việc chăm sóc sức khỏe thành viên gia đình.

Thời gian phụ nữ DTTS dành cho việc làm có lương chỉ bằng 86% thời gian dành cho việc làm có trả lương của nam giới. Thời gian phụ nữ dành cho việc làm có trả lương thấp hơn đáng kể so với nam giới. Cứ 10 người có việc làm thì 3 người cho rằng gánh nặng CVCSKL là lý do khiến họ không đổi việc.

Bên cạnh đó, việc sử dụng dịch vụ chăm sóc trẻ em hiện có của các hộ có con em dưới 6 tuổi còn hạn chế. Cứ 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có trẻ dưới 6 tuổi thì chỉ 3 hộ cho biết họ có gửi trẻ đến các cơ sở trông trẻ mặc dù độ sẵn có dịch vụ ở một tỷ lệ cao hơn đáng kể. Điều này là do một số yếu tố: khoảng cách từ nhà đến trường là một trở ngại lớn; điều kiện đường xá đi lại khó khăn, và điều kiện thời tiết, một số phụ huynh không thể đưa đón con đến trường vì nhiều lý do.

Các dịch vụ nhà dưỡng lão cho người già, cơ sở dành cho người khuyết tật, và giới thiệu việc làm cho phụ nữ vẫn còn thiếu. Thêm vào đó, một số dịch vụ có thể giúp giảm gánh nặng CVCSKL cho phụ nữ, giúp họ tìm việc làm có trả lương lại rất ít.

Bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Bất bình đẳng giới trong công việc chăm sóc không được trả lương là một trong những yếu tố gây ra khoảng cách giới trong kết quả lao động, chẳng hạn như tham gia lực lượng lao động, tiền lương và chất lượng công việc. Giải quyết các định kiến và chuẩn mực giới là bước đầu tiên trong việc phân bổ lại trách nhiệm chăm sóc và nội trợ giữa phụ nữ và nam giới, để từ đó, người phụ nữ có thể tham gia công bằng vào thị trường lao động, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và nâng cao vị thế, tiếng nói của họ trong các quyết định liên quan”.

Cũng theo nghiên cứu thực tế tại tỉnh Lai Châu và Hà Giang, phụ nữ đều là người phụ trách chính các CVCSKL trong gia đình, nam giới có xu hướng tham gia chia sẻ các CVCSKL trực tiếp nhiều hơn CVCSCL gián tiếp.

Trung bình mỗi ngày một phụ nữ DTTS dành khoảng 5 giờ cho các CVCSKL, nhiều hơn nam giới 2,1 giờ. Chỉ tính giá trị kinh tế của CVCSKL, trung bình một phụ nữ DTTS đóng góp khoảng 2,7 triệu đồng vào thu nhập hàng tháng của hộ gia đình, tương ứng khoảng 52,4% tổng thu nhập của hộ.

Đối với một hộ gia đình DTTS, chi phí thay thế cho hoạt động CSKL trực tiếp, đặc biệt là chăm sóc trẻ em khá lớn, chi phí này có thể bằng khoảng 1/4 tổng thu nhập trung bình của hộ. Hay nói một cách khác, trong gia đình DTTS những người chăm sóc trẻ em đã đóng góp số tiền bằng 1/4 tổng thu nhập của hộ.

Cần giải pháp phù hợp để tăng sự công bằng cho phụ nữ DTTS

CVCSKL là loại công việc có giá trị kinh tế đối với gia đình nên ai làm việc này cũng có đóng góp quan trọng cho việc cân bằng các chi phí duy trì cuộc sống gia đình và sự phát triển của xã hội. Nam giới hay nữ giới đều có thể tự hào khi thực hiện loại công việc này vì đã đóng góp không nhỏ vào kinh tế gia đình và sự phát triển nói chung.

Để đảm bảo tính nhất quán và so sánh giữa các quốc gia, Việt Nam cần có một sự thống nhất về khái niệm CVCSKL, khái niệm này nên được đồng nhất với khái niệm đang được sử dụng toàn cầu. Bên cạnh đó, những khảo sát ở cấp quốc gia về vấn đề này cũng cần sử dụng phương pháp nhật ký thời gian để đo lường thời gian dành cho CVCSKL một cách chính xác nhất, hỗ trợ cho quá trình theo dõi và giám sát mục tiêu phát triển bền vững 5.4. Ngoài ra, việc theo dõi và giám sát này nên được phân tổ theo các nhóm dân tộc để có giải pháp tập trung hơn, tận dụng được nguồn lực tốt hơn.

Các thiết bị gia dụng hỗ trợ CVCSKL giúp giảm đáng kể thời gian làm CVCSKL của phụ nữ vùng DTTS. Các dự án phát triển ưu tiên hỗ trợ tiếp cận hoặc cải tiến các thiết bị gia dụng gia đình giúp giảm thời gian và công sức dành cho CVCSKL.

Cần tăng thêm cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia công bằng vào thị trường lao động.

Cùng với đó, Nhà nước giảm tải trách nhiệm CVCSKL cho hộ gia đình bằng cách đầu tư thỏa đáng vào cơ sở hạ tầng và những dịch vụ xã hội, từ đó giảm đáng kể gánh nặng của phụ nữ. Chương trình MTQG DTTS-MN cần ưu tiên đầu tư các công trình CSHT có trách nhiệm giới, đáp ứng cho nhu cầu giảm thời gian thực hiện CVCSKL.

Đồng thời, việc đầu tư cho các dịch vụ chăm sóc như trường mẫu giáo, cơ sở chăm sóc người già, người khuyết tật là giải pháp tái phân bổ lại nguồn lực cho CVCSKL, góp phần tăng thời gian làm các công việc tạo ra thu nhập của phụ nữ DTTS.

Việc tái phân bổ CVCSKL giữa các thành viên gia đình có thể thực hiện được thông qua việc thay đổi các định kiến xã hội liên quan tới phân công lao động giữa nam giới và nữ giới rất cần các chiến lược truyền thông nhằm thay đổi định kiến giới hiện còn tồn tại ở các vùng DTTS.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, thời gian tới Hội sẽ ưu tiên thực hiện các nội dung trọng tâm trong Dự án 8 liên quan đến “Công tác tuyên truyền, xóa bỏ khuôn mẫu giới tại vùng dân tộc thiểu số” và “Thúc đẩy bình đẳng giới gắn với nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số”; tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng như: Xây dựng các nhóm truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng, thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới… và triển khai các chiến lược, nhiều mô hình đa dạng để tăng cường cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội thu nhập cho phụ nữ.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận, đề xuất thêm một số giải pháp nhằm giải quyết gánh nặng công việc chăm sóc không lương cho người phụ nữ DTTS, góp phần thúc đẩy cơ hội tham gia vào thị trường lao động một cách công bằng và hiệu quả giúp họ giảm bớt gánh nặng gia đình.

Đào Thúy