Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng “xanh”

BVR&MT – Giai đoạn 2020-2030, mục tiêu là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái.

Nông nghiệp hữu cơ đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam. Mặc dù ở nước ta, sản xuất nông nghiệp hữu cơ có tiềm năng rất lớn nhưng thời gian qua, lĩnh vực này còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Nông nghiệp hữu cơ, con đường ngắn nhất đến một nền nông nghiệp “xanh”

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Viết Minh – Phó Chánh văn phòng Bộ NN-PTNT, Trưởng đại diện văn phòng bộ NN-PTNT tại phía Nam, thường trực tổ công tác 970 cho biết, trước nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch của người tiêu dùng, hiện nay xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ là tất yếu. Tuy nhiên, trước những áp lực về sản lượng, giải quyết bài toán kinh tế, thu nhập cho người sản xuất đã làm quá trình xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ gặp không ít khó khăn. Do đó, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, các mắt xích trong chuỗi sản xuất đều phải dần hoàn thiện mới có thể đem lại hiệu quả và tiến độ phát triển như mong muốn.

Xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ là tất yếu.

Theo thông tin từ Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, hiện trong nước có 2 mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ. Đó là mô hình doanh nghiệp tư nhân và nhóm nông hộ. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn của EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…để sản xuất các sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, các nông hộ tổ chức sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS theo phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Mô hình sản xuất nông hộ hữu cơ chủ yếu dựa trên cơ sở tự nguyện, chưa đăng ký để nhận được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, do đó, chưa nhận được sự tin cậy cao của người dùng trong nước, thị trường tiêu thụ còn nhiều bấp bênh, giá thành thấp…

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn 2020- 2030

Trao đổi với Người Đưa Tin về tình hình phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Vân Hương, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho hay, cả nước hiện có gần 70 đơn vị tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được cấp chứng nhận, trong đó có 51 cơ sở phục vụ nhu cầu trồng nước, chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt.

Trong gần 5 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam đã có những bước phát triển rất đáng ghi nhận. Theo thống kê năm 2020 của tổ chức nông nghiệp quốc tế IFOAM, diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam đạt con số gần 240 nghìn ha.

“46/63 tỉnh thành, 17.168 nông dân và 97 doanh nghiệp đang tham gia thực hiện phong trào sản xuất hữu cơ. Trong đó, sản phẩm hữu cơ của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu hàng năm ước đạt 335 triệu USD”, bà Hương cho biết thêm.

Bà Nguyễn Vân Hương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT).

Nhằm đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ trên phạm vi cả nước, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, và gắn với đề án với việc hình thành các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hướng đến xuất khẩu, đồng thời đạt tiêu chuẩn ngang bằng với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp xác định tập trung vào một số nhóm giải pháp như: Phát triển các vùng sản xuất tập trung, đa dạng hóa hình thức sản xuất, nghiên cứu, đẩy mạnh công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện quy trình, đồng thời phát triển nhóm vật tư đầu vào.

Trong đó, giai đoạn 2020-2030, mục tiêu là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến.

Theo đó, một số nhiệm vụ chính là: Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ; đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực.

Song song với phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật, cần tích cực tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ cũng như phát triển các vật tư đầu vào…

Do vậy, cần khẩn trương xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết liên quan đến nông nghiệp hữu cơ. Lựa chọn, xác định và triển khai, nhân rộng các mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các mô hình nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và hướng dẫn các nội dung liên quan đến đề án.

Dự kiến trong năm 2022, tiếp tục rà soát, thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ sau 1 năm triển khai đề án; phổ biến, nhân rộng các quy trình sản xuất; triển khai các nhiệm vụ khuyến nông cho các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại địa phương. Và ngoài tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, cần phối hợp với các tổ chức và chuyên gia quốc tế trong công nhận tiêu chuẩn tương đương.