Giải pháp đột phá phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên

BVR&MT – Viện Dược liệu (Bộ Y tế) vừa ký hợp tác nghiên cứu khoa học với Trường đại học Ðà Lạt và Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (Lâm Ðồng) để thúc đẩy nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ dược liệu tại khu vực Tây Nguyên và xây dựng Vườn Bảo tồn và Phát triển cây thuốc quốc gia khu vực Tây Nguyên. Hoạt động này nhằm đẩy mạnh áp dụng khoa học-công nghệ trong khai thác, phát triển bền vững dược liệu vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Ðồng nói riêng.

Trồng sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Bà Phạm Thanh Huyền, Trưởng Khoa Tài nguyên Dược liệu, Viện Dược liệu cho biết, Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên là vùng phát triển dược liệu trọng điểm. Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã chú trọng phát triển dược liệu và nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ dược liệu. Trong gần 1.700 loài cây thuốc ở vùng Tây Nguyên, một số loài có tiềm năng phát triển và có giá trị kinh tế cao đã được tập trung nghiên cứu như: Sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, hà thủ ô đỏ, thổ phục linh, bạch cập, sâm cau, đan sâm, đảng sâm,… Từ đó, lựa chọn được nhiều nguồn gien tiềm năng để phát triển, tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc. Nhiều đề tài, dự án cũng đã được triển khai để tuyển chọn, hoàn thiện quy trình nhân giống, sản xuất giống cây dược liệu như: Sản xuất giống gấc thương phẩm tại tỉnh Ðắk Nông; nghiên cứu nhân giống lan gấm, hà thủ ô đỏ, chiêu liêu đen, chân danh ở tỉnh Ðắk Lắk; nghiên cứu nhân giống sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô ở tỉnh Lâm Ðồng; chuỗi các nhiệm vụ nghiên cứu về sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ngũ vị tử được triển khai tại Kon Tum, Gia Lai…

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã tập trung xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng trọt (theo GACP, VietGap, hữu cơ) nhằm tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng.

Các quy trình công nghệ đã được chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương để xây dựng vùng trồng dược liệu như: Ðương quy Nhật Bản (20 ha), đinh lăng (20 ha), Nghệ (10 ha) tại Ðắk Lắk; giảo cổ lam (20 ha), độc hoạt (10 ha) tại Kon Tum; nấm đông trùng hạ thảo (quy mô 7,5 tấn tập trung và 2,5 tấn phân tán), đan sâm (10 ha), đương quy Nhật Bản (10 ha) tại Lâm Ðồng; gấc (30 ha) tại Ðắk Nông; đinh lăng (5 ha), nghệ (5 ha), đảng sâm (10 ha) tại Kon Tum…

Một số tỉnh ở vùng Tây Nguyên đã phát triển diện tích trồng cây dược liệu với quy mô khá lớn như: Kon Tum (898 ha), Ðắk Nông (700 ha), Lâm Ðồng (300 ha)…

Ðây là cơ sở để tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu tập trung có chất lượng cao phục vụ nhu cầu thị trường, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, an sinh xã hội và phát triển kinh tế của các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Một số nhiệm vụ khoa học cũng đã được triển khai tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum nhằm phát triển sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực mang thương hiệu quốc gia.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được một số tỉnh tập trung đẩy mạnh. Ðã có các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây dược liệu thành công như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH,…

Tại một số tỉnh cũng đã triển khai các nhiệm vụ khoa học-công nghệ để phát triển sản phẩm như: công nghệ thu tinh dầu trong quá trình chế biến tiêu trắng tại tỉnh Ðắk Nông; công nghệ tách chiết sản xuất viên nang và trà hòa tan hỗ trợ bệnh cao huyết áp và mỡ máu từ đài hoa Bụp giấm; chiết tách phân đoạn kháng oxy hóa từ quả me rừng tại tỉnh Ðắk Lắk; nghiên cứu phát triển sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tại Kon Tum;… Ðồng thời, một số công ty đã đầu tư phát triển các sản phẩm từ dược liệu.

Tuy nhiên, việc áp dụng khoa học-công nghệ để phát triển dược liệu trong vùng vẫn còn một số tồn tại.

Theo bà Phạm Thanh Huyền, đội ngũ cán bộ làm công tác ứng dụng khoa học-công nghệ, tiềm lực khoa học-công nghệ chuyên sâu về dược liệu trong vùng còn hạn chế. Triển khai ứng dụng khoa học-công nghệ trong phát triển dược liệu chưa đồng bộ, nhất là việc sử dụng giống không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, có sự nhầm giống, lẫn giống, thoái hóa giống ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng dược liệu. Một số vùng dược liệu chủ yếu canh tác theo kỹ thuật truyền thống, không có quy trình quản lý, kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến độ an toàn và chất lượng dược liệu. Công nghệ tiên tiến trong sơ chế, chế biến dược liệu hầu như chưa được triển khai ở quy mô sản xuất. Chưa xây dựng được nhiều vùng dược liệu tập trung và chất lượng cao theo tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng và thu hái (GACP-WHO), tiêu chuẩn hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Chưa có những chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển dược liệu; nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học-công nghệ còn hạn chế; chưa đầu tư vào các nhiệm vụ mang tính tổng thể và theo chuỗi giá trị và thương mại hóa sản phẩm từ dược liệu.

Ðể khắc phục những hạn chế nêu trên và phát triển bền vững dược liệu vùng Tây Nguyên, vừa qua, Viện Dược liệu đã đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trong đó đáng chú ý là xây dựng Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Tây Nguyên, đặt tại tỉnh Lâm Ðồng để chỉ đạo toàn diện về công tác phát triển dược liệu của vùng Tây Nguyên. Cùng với đó, đề xuất triển khai xây dựng Vườn Bảo tồn và Phát triển cây thuốc quốc gia khu vực Tây Nguyên, lựa chọn Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tại tỉnh Lâm Ðồng, với mục tiêu thu thập, bảo tồn được 2.000 loài cây dược liệu đặc trưng vùng Tây Nguyên phục vụ cho nghiên cứu, bảo tồn, phát triển dược liệu.

Với chức năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ toàn diện về dược liệu, Viện Dược liệu có nhiều trung tâm đặt tại các vùng sinh thái khác nhau để chỉ đạo công tác phát triển dược liệu trên toàn quốc như tại vùng đồng bằng sông Hồng, vùng núi cao phía bắc, vùng trung du miền núi phía bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Ðông Nam Bộ. Tuy nhiên, chưa có Trung tâm nghiên cứu chuyên sâu tại vùng Tây Nguyên.

Theo các nhà khoa học, xây dựng Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Tây Nguyên sẽ là giải pháp đột phá để triển khai chủ trương của Chính phủ xây dựng vùng Tây Nguyên thành vùng dược liệu trọng điểm phát triển dược liệu để phục vụ yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên.

Theo đó, sẽ đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo giống, công nghệ sản xuất giống cây dược liệu có năng suất và chất lượng, tập trung đầu tư vào nhóm cây dược liệu có lợi thế của vùng, các cây dược liệu thị trường có nhu cầu cao. Nghiên cứu đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất các dược liệu mới được chọn tạo tại từng vùng sinh thái. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong canh tác dược liệu, trong sơ chế và bảo quản; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với một số cây dược liệu có giá trị cao…

Ðại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Ðồng cho biết, địa phương ủng hộ việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Tây Nguyên đóng trên địa bàn tỉnh để cùng với địa phương thực hiện kết nối phát triển vùng dược liệu, phấn đấu đưa Lâm Ðồng trở thành một trong những trung tâm dược liệu lớn trên cả nước ■