Giải cứu rừng nhiệt đới: Liệu chỉ rót tiền là đủ?

BVR&MT – Trong thập kỷ qua, Na Uy đã chi 3 tỷ USD hỗ trợ giữ rừng ở tất cả các quốc gia có rừng mưa lớn trên thế giới, đưa bảo vệ rừng thành mục tiêu và giải pháp khí hậu quan trọng trên toàn cầu. Nhưng đã đến lúc tính xem cái gì ổn và chưa ổn, cả về bảo vệ rừng nhiệt đới nói chung và vai trò của Na Uy nói riêng trong thúc đẩy bảo tồn rừng, và đề ra một hướng đi mới. Đó là cũng tiền đề của một báo cáo mang tên “Giải cứu rừng nhiệt đới 2.0”.

Báo cáo được Quỹ Rừng mưa nhiệt đới Na Uy (Rainforest Foundation Norway) công bố vào cuối tháng 6 tại Diễn đàn Rừng Nhiệt đới Oslo do Na Uy tổ chức, nơi hàng trăm nhà hoạch định chính sách và các nhà bảo tồn gặp nhau nhằm xác định các rào cản quan trọng và đưa ra một số khuyến nghị giúp ngăn chặn nạn phá rừng hiệu quả hơn.

Thật trùng hợp, thời điểm công bố báo cáo cũng là lúc Đại học Maryland ở Mỹ công bố dữ liệu phá rừng. Theo đó, các nước nhiệt đới đã mất 158.000 km2 diện tích cây cối trong năm 2017 – tương đương với nước Bangladesh. Đây là tỷ lệ mất diện tích cây che phủ hàng năm cao thứ hai kể từ năm 2001 mà nguyên nhân chủ yếu là do giải phóng mặt bằng để sản xuất nông nghiệp.

“Khi phá rừng và suy thoái rừng xảy ra ở mức báo động, rõ ràng chúng ta đang sai lầm gì đó… Thế giới cần những ý tưởng mới, những chính sách tốt hơn và sử dụng nguồn tài chính hiệu quả hơn nếu chúng ta muốn thắng trong trận chiến này” – Øyvind Eggen, Giám đốc điều hành Rainforest Foundation Norway khẳng định trong một tuyên bố kèm theo báo cáo.

Mặc dù một trong những khuyến nghị quan trọng là các nước giàu tăng quy mô viện trợ phát triển quốc tế cho tài chính rừng-khí hậu, trong đó riêng phần Na Uy cam kết chi 4,5 tỷ krone cho đến năm 2021, thì báo cáo cũng đưa ra nhiều biện pháp để bảo vệ rừng mưa nhiệt đới không đòi hỏi thêm nguồn vốn tài trợ đáng kể.

Ví dụ, nhiều quốc gia đã ký Tuyên bố New York về rừng để hỗ trợ các công ty thực hiện các cam kết không phá rừng. Các chính phủ sẽ tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các sản phẩm không góp phần vào việc phá rừng trong khi hạn chế thị phần của các sản phẩm gây mất rừng. Hiện tại, theo báo cáo, lượng viện trợ quốc tế tiềm tàng tác động tiêu cực đến rừng lại cao gấp 3,5 lần các quỹ hỗ trợ bảo tồn rừng và phục hồi rừng.

“Bằng cách chỉ mua sản phẩm từ các công ty không làm trầm trọng thêm nạn phá rừng nhiệt đới, các chính phủ có thể hỗ trợ đáng kể cho các công ty tiến bộ nhất”, báo cáo tuyên bố. “Chính phủ cũng có thể sử dụng luật lệ và thuế để hạn chế các sản phẩm gây ra phá rừng – và các biện pháp này không tăng thêm gánh nặng cho ngân sách công”.

Anders Haug Larsen, Cố vấn chính sách tại Rainforest Foundation Norway, người biên tập báo cáo, giải thích: “Chính sách mua sắm công, luật nhập khẩu và thuế quan phải ưu tiên các sản phẩm không phá rừng. Chẳng hạn không chấp nhận nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ và đậu nành, chừng nào những sản phẩm này còn tiếp tục gây ra phá rừng và tăng phát thải khí nhà kính”.

Phá rừng ở bang Pará, Brazil (Ảnh qua Wikimedia Commons, được cấp phép theo CC BY-SA 2.0)

Theo báo cáo, các quy định hạn chế nhiên liệu sinh học từ dầu cọ và đậu nành có liên quan đặc biệt đến Liên minh châu Âu, Indonesia và ngành hàng không, những tác nhân sẽ thúc đẩy nhu cầu lớn hơn đối với nhiên liệu sinh học này. Thực tế, gần đây EU đã tuyên bố sẽ không dùng dầu cọ làm nhiên liệu động cơ vào năm 2030, muộn hơn nhiều thời hạn ban đầu 2021 – một động thái mà Nils Hermann Ranum, Trưởng phòng chính sách và chiến dịch tại Rainforest Foundation Norway, nhìn nhận là “không thể chấp nhận”.

Tiến sĩ Chris Malins, chuyên gia về chính sách nhiên liệu sạch và carbon thấp, lưu ý rằng trong hai thập kỷ qua, nhiên liệu sinh học đã được coi là giải pháp bền vững để loại bỏ cacbon khỏi ngành giao thông, bởi vì người ta tin rằng hành động hiệu quả nhất là giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng mọi giá. Tuy nhiên, khi nói đến nông nghiệp và sử dụng đất, Malins chỉ ra rằng thực ra hành động tốt nhất là bảo vệ trữ lượng carbon hiện có.

“Sử dụng nhiên liệu sinh học được sản xuất từ dầu cọ, có khác nào uống thuốc độc chữa bệnh, vì sẽ tăng nạn phá rừng và đưa đến những thay đổi sử dụng đất liên quan tới khí nhà kính. Với hành động pháp lý phù hợp được thực hiện ngay bây giờ để tái tập trung và giải quyết chính sách nhiên liệu sinh học, hàng triệu héc ta rừng mưa nhiệt đới và than bùn đang bị đe dọa vẫn có thể được cứu”, Malins viết.

Khuyến nghị cho các nước lâm nghiệp

Báo cáo cho rằng cải cách trợ cấp là một trong những hành động chủ yếu các nước lâm nghiệp nên thực hiện – và các nhà tài trợ như Na Uy nên đưa điều này thành yêu cầu của bất kỳ thỏa thuận song phương nào ký với các nước lâm nghiệp từ năm 2020 trở đi. Cải cách trợ cấp và chính sách để không thúc đẩy phá rừng mà sẽ hỗ trợ nỗ lực của các nước lâm nghiệp nhằm đáp ứng mục tiêu của các sáng kiến được thành lập theo khuôn khổ của REDD+.

Sự thành công của REDD+ bị hạn chế ở một mức độ nào đó do được đóng khung như một cách để trả tiền cho người không chặt phá rừng. Nhưng điều quan trọng là bảo vệ rừng được công nhận là một “lựa chọn phát triển đầy hứa hẹn để huy động tài chính từ nền kinh tế rộng lớn hơn”, theo lời Larsen.

Charlie Parker, một nhà tư vấn sử dụng đất độc lập, đã viết trong một bài báo được đưa vào báo cáo rằng “Các nước thực hiện cải cách trợ cấp sẽ có lợi cho quá trình REDD+ rất nhiều. Indonesia, hiện chiếm 53% sản lượng dầu cọ toàn cầu và đang trợ cấp cho toàn chuỗi cung ứng liên quan trực tiếp và gián tiếp đến sự thay đổi sử dụng đất. Trợ cấp ở đây gồm trợ cấp tín dụng, bảo lãnh của chính phủ, ưu đãi thuế và giá sàn về nhiên liệu sinh học; trừ khi những trợ cấp trên được cải cách, có thể thấy Indonesia khó đáp ứng được các mục tiêu REDD+”.

Cơ sở dầu cọ ở Malaysia (Ảnh: Rhett)

Báo cáo cũng khuyến nghị các nước rừng nhiệt đới nên “ưu tiên bảo đảm quyền sử dụng đất cho các cộng đồng bản địa và các cộng đồng phụ thuộc vào rừng, hỗ trợ các kế hoạch quản lý bền vững ở các khu vực này” cũng như “xây dựng luật lệ và ưu đãi tài chính cho phục hồi rừng.” Phục hồi và tái sinh tự nhiên nên là ưu tiên của các nỗ lực phục hồi rừng, và cần được thực hiện với sự tham gia đầy đủ của cộng đồng địa phương.

Một giải pháp quan trọng khác là bảo vệ hơn nữa những khu rừng nguyên sinh có giá trị và nguyên vẹn nhất mà thế giới vẫn còn giữ được.

Theo tác giả báo cáo Larsen, “Rừng nguyên sinh đóng vai trò rất quan trọng để duy trì các dịch vụ hệ sinh thái mà rừng cung cấp nhưng cho đến nay đây không phải là ưu tiên lớn nhất của REDD+ nói chung, hay Na Uy nói riêng. Để đạt được điều này, phải chấm dứt mọi hỗ trợ cho việc khai thác gỗ quy mô lớn trong rừng nguyên sinh. Các quốc gia rừng nhiệt đới nên xây dựng kế hoạch sử dụng đất để bảo vệ các khu rừng nguyên sinh còn lại và không giao rừng đó cho khai thác gỗ với quy mô công nghiệp. Các nhà tài trợ như Na Uy cần hỗ trợ những nỗ lực như thế, tránh xa các chương trình hoặc dự án kích thích khai thác quy mô công nghiệp ở những khu vực này”.

“Quá nhiều rừng đã bị mất trong 10 năm qua”

Larsen thừa nhận rằng những nỗ lực của Na Uy trong thập kỷ qua là rất quan trọng để thúc đẩy “ở các cấp bậc chính trị cao nhất” khiến các chính phủ trên thế giới nhận ra nhu cầu bảo tồn rừng nhiệt đới, đưa bảo vệ rừng trở thành một phần cốt lõi của Thỏa thuận Paris. Ông cũng bộc bạch chính sự hỗ trợ của Na Uy đã giúp Quỹ Amazon trở thành một phương tiện quan trọng để giảm nạn phá rừng và giúp nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải đảm bảo quyền của người dân bản địa như một yếu tố quan trọng trong bảo vệ rừng ở hầu hết các nước rừng mưa nhiệt đới.

Mặc dù những thành công đó, tuy nhiên, Larsen nói thêm rằng “quá nhiều rừng đã bị mất trong 10 năm qua, vì vậy chúng ta không đạt được những gì đáng ra phải đạt được. Rõ ràng không thể đổ hết lỗi cho Na Uy, nhưng REDD+ – và kể cả Na Uy – đã có một thời gian dài tập trung quá mức vào việc tính toán carbon, chuẩn bị cho một thị trường carbon chưa bao giờ nổi bật lên. Lẽ ra nên tập trung hơn nữa vào tầm quan trọng của bảo vệ rừng để phát triển dài hạn, vào giá trị xã hội và môi trường rộng hơn để tăng thêm ý chí chính trị bảo vệ rừng ở các nước rừng nhiệt đới, điều mà chúng tôi tin rằng vẫn là rào cản chính”.

Một báo cáo của Văn phòng Tổng kiểm toán Na Uy cũng chỉ trích gay gắt Sáng kiến Rừng và Khí hậu Quốc tế (NICFI), một trong những nhà tài trợ chính của các sáng kiến REDD+ trên toàn thế giới. Larsen đồng ý rằng thiếu kinh phí từ các nguồn khác đã cản trở kết quả, vì thế cần xác định các nguồn lực và giải pháp mới, chẳng hạn như cải cách trợ cấp và hạn chế nhập khẩu đối với các sản phẩm góp phần phá hủy rừng nhiệt đới.

“Kết luận của phía Tổng kiểm toán và cả của chúng tôi đều chỉ rõ việc thay đổi các ưu tiên chính trị ở các nước rừng mưa nhiệt đới đã ngăn chặn hoặc trì hoãn các biện pháp và kết quả”, Larsen nói. Ví dụ, sau khi tỷ lệ mất rừng giảm đi ở Brazil trong suốt những năm 2000, mất cây đã tăng rõ rệt trong những năm gần đây, chủ yếu là do nông dân đốt đất rừng làm nông nghiệp.

Sông Solimões và rừng mưa Amazon (Ảnh qua Wikimedia Commons, được cấp phép theo CC BY-SA 2.0.)

Mikaela Weisse, một nhà phân tích nghiên cứu tại Viện Tài nguyên Thế giới, cho biết những người dọn đất bằng lửa đang tận dụng lợi thế của việc thực thi yếu kém luật cấm đốt rừng và phá rừng, cũng như những nỗ lực của chính quyền hiện hành nhằm khôi phục các biện pháp bảo vệ môi trường. Nhóm tác giả của báo cáo “Bảo vệ rừng nhiệt đới 2.0” cho thấy trong những trường hợp như thế này, nơi làn gió chính trị đã dịch chuyển, Na Uy ưu tiên hỗ trợ cho các dự án có thể giúp tạo ra và duy trì ý chí chính trị để giải quyết nguyên nhân phá rừng.

“Việc Na Uy đóng góp 500 triệu USD một năm là rất nhiều so với hỗ trợ khác như vậy, nhưng không đáng gì so với doanh thu của các ngành công nghiệp gây ra mất rừng”, Larsen kết luận. “Việc chuyển đổi thực hành nông nghiệp ở các nước phụ thuộc nông nghiệp là một thách thức lớn nhưng đã đâm lao thì phải theo lao. Tôi nghĩ rằng nỗ lực của Na Uy sẽ duy trì ở mức cao, ít nhất là cho đến năm 2030 như chính phủ hiện tại hứa hẹn. Nhưng tôi hy vọng sõ có một số thay đổi, ít nhất là sau năm 2020 khi hầu hết các hiệp định song phương kết thúc và Na Uy đang ở vị trí để đưa vào các giải pháp mới”.

Nhật Anh (Theo Mongabay.com)