Giải cứu động vật hoang dã khi du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid 19

BVR&MT – Tương lai của Vườn thú Phuket đã bị lung lay từ rất lâu trước khi Thái Lan đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài do đại dịch COVID-19. Hiện nay, sau hai năm thu nhập gần như bằng 0, vườn thú đã bị đóng cửa.

Hầu hết các cá thể bị nuôi nhốt đã được đưa đến các công viên động vật hoang dã gần đó, song có 11 cá thể hổ và 2 cá thể gấu thuộc vườn thú khó tìm môi trường sống mới hơn. Chi phí cho việc nuôi dưỡng và chăm sóc các loài động vật có vú lớn là cực kỳ tốn kém đối với các điểm nuôi nhốt động vật hoang dã trên khắp Thái Lan, đặc biệt trong tình hình đại dịch ảnh hưởng khiến doanh thu du lịch bị giảm sút.

Để giải quyết vấn đề, chủ sở hữu vườn thú đã nhờ đến sự giúp đỡ của một trung tâm giải cứu động vật hoang dã – Wildlife Friends Foundation Thái Lan (WFFT), nơi sau đó đã đồng ý đón nhận tất cả các động vật từ sở thú. Đây có thể coi là cuộc cứu hộ hổ lớn nhất trong lịch sử của Thái Lan.

Một chú hổ con ở vườn thú Phuket. WFFT đang chờ giấy phép để giải cứu thêm 10 cá thể hổ và 2 cá thể gấu về khu bảo tồn cứu hộ của WFFT ở Phetchaburi, Thái Lan. (Ảnh: WFFT)

Giải pháp tạm thời

Các cá thể hổ và gấu bị nuôi nhốt đã sống trong những khu chuồng nhỏ bằng bê tông tại vườn thú trong một thời gian dài. Chúng bị buộc vào các bệ chụp ảnh bằng dây xích ngắn hàng giờ đồng hộ, bị ép phải tạo dáng chụp ảnh cùng khách du lịch.

Jan Schmidt-Burbach thuộc Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới chia sẻ: “Các cơ sở thương mại có động vật hoang dã phụ thuộc vào thu nhập từ du khách đều đang gặp khó khăn về kinh tế và lệnh đóng cửa khắp nơi. Đối tượng phải chịu thiệt thòi nhiều nhất là động vật, thậm chí trong nhiều trường hợp, chúng chẳng còn nơi cư trú.”

Mặc dù việc cứu hộ hổ và gấu ở Vườn thú Phuket tới một khu bảo tồn uy tín là một tin tốt, Schmidt-Burbach cho biết các cuộc giải cứu động vật hoang dã không thể được coi là giải pháp bền vững cho tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào doanh thu du lịch của các cơ sở nuôi nhốt. Các khu nuôi nhốt động vật hoang đã ở Thái Lan hiện nay không đủ khả năng chăm sóc cho số lượng cá thể quá lớn, với hơn 50 cơ sở trên khắp cả nước nuôi nhốt hơn 2.000 cá thể hổ, và khoảng 2.700 cá thể voi trong các điểm du lịch. Cuộc sống của tất cả những cá thể này đã bị đe dọa trong suốt hai năm qua.

Một cá thể gấu cái Malaysia trưởng thành đang chờ đợi để được đưa đến nhà mới. (Ảnh: Wildlife Friends Foundation Thái Lan cung cấp)

Khởi đầu một cuộc cứu hộ mang tính bước ngoặt

Được thành lập vào năm 2001, trung tâm cứu hộ WFFT rộng 80 ha và có khoảng 700 loài động vật, bao gồm 30 cá thể gấu, vài chục cá thể voi và sáu loài vượn, cùng với khỉ, cu li, voọc, mèo rừng, rái cá, chim và bò sát. Hầu hết các loài động vật bị tịch thu từ buôn bán trái phép động vật hoang dã, ngành công nghiệp thú cưng và du lịch, giải trí. Các cá thể được phục hồi sẽ được tái thả về tự nhiên.

WFT đã gây quỹ để tài trợ cho việc xây dựng các khu bảo tồn động vật hoang dã mới làm nơi cư trú cho những cá thể hổ và gấu đã được giải cứu. Các cơ sở mới đang dần được hoàn thành.

Việc đưa các cá thể hổ và gấu từ môi trường nuôi nhốt chật hẹp tới ở môi trường bán tự nhiên rộng lớn có thể là một “cú sốc văn hóa” với chúng, đặc biệt là với những cá thể lớn tuổi đã quen với việc bị xích trong lồng nhỏ hàng giờ trong ngày. Những cá thể gấu sẽ sống trong một khu chuồng trại có diện tích gần gấp sáu lần nơi ở cũ tại Vườn thú Phuket.

Pinthongta – chú hổ đầu tiên được nuôi dưỡng tại trung tâm cứu hộ WFFT làm quen với môi trường tự nhiên mới. (Ảnh: Wildlife Friends Foundation Thái Lan cung cấp)

Một tương lai tốt đẹp hơn

Mặc dù WFFT đã vận động chống lại việc ngược đãi động vật trong các vườn thú của Thái Lan từ rất lâu trước đó, song Edwin Wiek – Giám đốc trung tâm cho biết ông không coi việc đóng cửa Vườn thú Phuket cũng như việc cứu hộ hổ và gấu là một bước đột phá quan trọng. Theo ông, nếu không phải vì đại dịch, vườn thú có thể vẫn hoạt động và các loài động vật hoang dã vẫn phải chịu đựng sống trong cảnh nuôi nhốt khắc nghiệt. “Thật không may, sau đại dịch, khi Thái Lan bắt đầu tiếp đón khách du lịch trở lại, chúng tôi có lẽ vẫn sẽ phải vận động chống lại những cơ sở nuôi nhốt như thế này bởi vì mọi chuyện rồi đâu lại vào đấy” – ông nói.

Một trở ngại lớn đối với sự thay đổi này là nhu cầu tiếp xúc động vật hoang dã từ khách du lịch vẫn tồn tại. Ông Wiek nói: “Một số khách du lịch không xem trọng vấn đề phúc lợi động vật. Vì vậy, tôi e rằng một khi đại dịch kết thúc, mặc dù một số nơi sẽ đóng cửa vĩnh viễn, những nơi khác sẽ lại mở cửa trở lại.”

Tuy nhiên, ông cũng hy vọng rằng cuộc cứu hộ hổ và gấu mang tính bước ngoặt sẽ đổi mới tư duy cho các chủ sở hữu vườn thú và các nhà hoạch định chính sách của Thái Lan. Theo ông, đây có thể là cơ hội để Thái Lan chứng tỏ rằng họ có thể làm tốt hơn nữa. Cuộc giải cứu này có thể có hiệu ứng lan tỏa tới các vườn thú và cơ sở khác, giúp họ chọn phương pháp giải quyết tương tự để cải thiện cuộc sống của các loài động vật hoang dã đang bị nuôi nhốt hiện nay.