Giải cứu đại bàng Philippines cực kỳ nguy cấp trước nguy cơ tuyệt chủng

BVR&MT – Là một trong những loài chim ăn thịt có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, đại bàng Philippines còn được gọi là đại bàng ăn thịt khỉ vì khả năng mang theo khỉ và những con mồi lớn khác. Nhờ các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và thực thi luật bảo tồn động vật hoang dã, loài chim cực kỳ nguy cấp này không còn bị săn lùng ráo riết như một chiến tích, thậm chí được người dân hết lòng giải cứu.

Cuối tháng 3/2021, khi đang thu hái mây trong rừng truyền thống trên đảo Mindanao thuộc miền nam Philippines, nhóm người bản địa Manobo Simuwawnon phát hiện một nhóm thợ săn bắt được một con chim lớn bị sập bẫy dành cho lợn hoặc gà rừng. Loài chim ăn thịt này khá to với phần dưới màu trắng như bông và chiếc vương miện xù xì có lông màu nâu. Một số thợ săn muốn ăn thịt chim nhưng Jerry Cotic, một viên chức làng cùng những người hái mây ấp ủ kế hoạch mua lại con vật từ những kẻ đánh bẫy và giao nó cho các cơ quan quản lý động vật hoang dã. Ba ngày tiếp theo, trong khi Cotic ở lại với những người thợ săn và con chim, Mahumoc cùng các nhà lãnh đạo bản địa khác đã quyên góp được 5.000 peso Philippines (khoảng 100 đô la) từ những người dân trong làng để quay trở lại đổi chim. Mahumoc sau đó tiếp tục chạy xe máy hai giờ đồng hồ đến thành phố Bislig để giao cá thể chim cho Văn phòng tài nguyên và môi trường địa phương. Và chỉ tới khi này, Mahumoc mới biết đó là loài đại bàng Philippines, loài chim quốc gia cực kỳ quý hiếm, một trong những loài chim săn mồi hiếm nhất thế giới, hiện chỉ còn chưa đầy 700 cặp sinh sản tính đến ngày nay.

Nguồn: nationalgeographic.com

Số lượng loài đã giảm đều đặn trong 50 năm qua do các tác động của con người, hoạt động khai thác gỗ rừng già và việc chuyển đổi rừng đất thấp thành trang trại cùng các khu định cư. Đại dịch xảy ra khiến áp lực săn bắn càng tăng cao hơn. Trước Covid-19, mỗi năm chỉ có một hoặc hai cá thể đại bàng được giải cứu nhưng từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, Quỹ Đại bàng Philippin đã cứu hộ tới 10 cá thể. Trong số này, có 02 cá thể bị dính bẫy (do đại bàng Philippines thường sà suống để bắt cầy hương và rắn nên chúng dễ bị mắc bẫy, người dân đã giăng bẫy sau khi bị chim ăn gia cầm); 02 cá thể bị thương bằng súng săn; 03 cá thể được tìm thấy trong rừng trong tình trạng yếu lả vì đói; 01 cá thể chim con hai tháng tuổi được cứu khi bị giao bán.

Jayson Ibañez, Giám đốc nghiên cứu và bảo tồn Quỹ cho rằng “thay vì câu chuyện thông thường về việc thiên nhiên đang được chữa lành, chúng tôi lo rằng đang có sự gia tăng xâm nhập vào rừng và đe dọa các loài hoang dã quý hiếm bao gồm đại bàng Philippines”.

Đại bàng Philippines cực kỳ nguy cấp (Ảnh: Patricio Robles Gil, Nature Picture Library)

Dưới tác động của Covid-19, các nhà bảo tồn nhận thấy sự gia tăng của việc săn bắt các động vật được bảo vệ để làm thực phẩm và buôn bán bất hợp pháp ngày một nghiêm trọng. Khi du lịch sinh thái buộc phải tạm dừng vì đại dịch, các nhân viên kiểm lâm cũng mất việc và các khu bảo tồn không được bảo vệ khỏi những kẻ săn trộm cùng các hoạt động xâm lấn khác.

Là loài săn mồi đỉnh cao, đại bàng Philippines đóng vai trò như một phong vũ biểu cho sức khỏe của rừng: sự tồn tại của một cặp sinh sản là minh chứng cho một hệ sinh thái lành mạnh vì mỗi cặp đôi cần khoảng 17.300 mẫu rừng, tương đương 0,07 km2 để tồn tại. Với trọng lượng từ 4 – 8 kg và sải cánh dài trung bình gần 2m, đại bàng Philippines là một trong những loài chim lớn nhất thế giới. Nó chỉ được tìm thấy ở bốn trong tổng số 7.641 hòn đảo thuộc các quần đảo, chủ yếu ở Mindanao.

Nhờ các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và luật bảo tồn động vật hoang dã áp dụng án tù và tiền phạt cao đối với hành vi giết hại động vật được bảo vệ, đại bàng Philippines không còn bị săn lùng ráo riết như một chiến tích. Tuy nhiên, nghèo đói và thiếu cơ hội tốt hơn ở vùng cao vẫn có thể khiến một số người coi những loài chim này như một nguồn thịt rừng hoặc một loài mới lạ, có thể bán để kiếm tiền. Những cá thể non đặc biệt gặp rủi ro khi chúng cố gắng xác định lãnh thổ mới bằng những ngọn cây cao chót vót để làm tổ, nhất là ở những khu vực suy thoái, nơi thiếu thốn mọi thứ và thường đối mặt với con người và gia súc, Juan Carlos Gonzalez, cán bộ Bảo tàng lịch sử tự nhiên tại Đại học Philippines chia sẻ.

Được biết, trước khi tái thả từng cá thể đại bàng đã được phục hồi, Quỹ Đại bàng Philippines đã làm việc với chính quyền địa phương để thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã trong các cộng đồng sống trong và gần lãnh thổ của đại bàng. Bên cạnh đó, tổ chức cũng tập huấn cho các thành viên của các cộng đồng bản địa trở thành những người bảo vệ rừng, đồng thời cung cấp các công cụ (như ống nhòm để theo dõi đại bàng và tổ của chúng, quan sát hành vi của đại bàng), loại bỏ các bẫy có thể gây hại cho đại bàng và đối phó với những kẻ săn bắt trái phép theo cách không đối đầu.

Được truyền cảm hứng từ nỗ lực bảo tồn chung, một số lãnh đạo bản địa giờ đây đều trở thành những kiểm lâm. Họ sẽ theo dõi sát sao loài chim quý khi nó bay qua vùng đất tổ tiên của bộ tộc và hy vọng một ngày nào đó sẽ được chứng kiến sự sum vầy của gia đình đại bàng.

Ý Nhi (Theo Nationalgeographic)