Giải ‘bài toán’ rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt tại Thái Bình

BVR&MT – Địa bàn tỉnh Thái Bình hiện phát sinh khoảng từ 990 tấn đến 1.045 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, trong đó khu vực thành phố nhiều nhất với khoảng 200 tấn/ngày.

Rác thải ùn ứ tại cầu Kiến Xương trên đường Lý Thường Kiệt, thành phố Thái Bình. Ảnh tư liệu: Thế Duyệt/TTXVN

Tỉnh có hai nhà máy xử lý rác thải quy mô lớn là Nhà máy xử lý rác thải thành phố Thái Bình và Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty Cổ phần Thành Đạt, cùng 101 lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ, 124 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các đô thị của tỉnh đạt 100%, ở nông thôn là 90%.

Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn tại các địa phương trong tỉnh Thái Bình đang dần đi vào nề nếp. Việc đầu tư, vận hành các lò đốt bước đầu mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, hạn chế tình trạng phát sinh các bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường.

Song mô hình lò đốt rác thải quy mô nhỏ sau một thời gian áp dụng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế như lò đốt vận hành chỉ đảm bảo công suất thiết kế trong 1- 2 năm đầu, sau đó hiệu quả giảm dần theo thời gian, thiết bị xuống cấp… Do đó, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng tập kết chất thải rắn sinh hoạt nơi công cộng không đúng quy định, chôn lấp không đảm bảo vệ sinh và đốt ngoài lò đốt gây ô nhiễm môi trường.

Đối với chất thải công nghiệp, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn các khu, cụm công nghiệp của tỉnh khoảng 4.535 tấn/tháng. Tại các khu công nghiệp, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường đạt 90 – 95%. Các doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp đã chủ động thu gom, một phần được các doanh nghiệp bán hoặc tái chế, sử dụng, còn lại hợp đồng với các đơn vị khác vận chuyển đi xử lý.

Việc thu gom, xử lý chất thải rắn ở một số nơi thực hiện chưa tốt, vẫn còn hiện tượng vận chuyển chất thải rắn đi lấp trũng hoặc đổ ở những nơi không đúng quy định, gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Tại các cụm công nghiệp, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường đạt 85 – 90%; hầu hết các doanh nghiệp đều ký hợp đồng thu gom, xử lý tại các bãi xử lý rác thải của địa phương, còn một số loại rác khác được bán cho các cơ sở tái chế.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Trường cho biết, Sở cùng với các ngành liên quan đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn như: kế hoạch hàng năm thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tỉnh hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác theo tiêu chí nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu, xử lý triệt để đối với 7 bãi rác nằm trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn 2020 – 2022, UBND tỉnh Thái Bình đã phân bổ kinh phí hỗ trợ xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh với tổng vốn 42,855 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình, thời gian tới, trong điều kiện các khu xử lý rác thải tập trung trên địa bàn chưa được đầu tư xây dựng, đối với chất thải rắn sinh hoạt, trước mắt các địa phương chưa có nhà máy xử lý rác thải tập trung quy mô lớn tiếp tục duy trì hoạt động các lò đốt rác hiện có, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để hệ thống xử lý chất thải rắn hoạt động ổn định theo thiết kế và đào tạo nâng cao năng lực cho công nhân vận hành.

Tỉnh nghiêm cấm hành vi đốt chất thải rắn ở bên ngoài lò đốt, đốt chất thải công nghiệp tại các lò đốt của địa phương; không để phát sinh các điểm tập kết chất thải rắn tự phát tại các khu vực công cộng; không hỗ trợ kinh phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho địa phương thực hiện thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh môi trường.

UBND các huyện hoàn thành quy hoạch địa điểm xử lý rác thải tập trung, chuẩn bị các điều kiện theo quy định để thực hiện giải phóng mặt bằng, sẵn sàng bàn giao khi có nhà đầu tư thực hiện dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung.

Về lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất cần tổ chức thực hiện tốt công tác phân loại rác tại nguồn theo lộ trình; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường vào phục vụ dự án bãi chôn lấp rác thải rắn, rác thải sinh hoạt; tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư xã hội hóa dự án xử lý rác thải tập trung quy mô toàn huyện, liên huyện; lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực công nghệ xử lý rác hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu xử lý triệt để rác, bảo vệ môi trường…

Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, các cơ quan Thanh tra, Cảnh sát môi trường đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm liên quan đến hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường; có thiết bị, dụng cụ, khu vực lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường và thực hiện chuyển giao theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…