Giá xăng dầu lên đỉnh, tàu cá nằm bờ la liệt

BVR&MT – Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa thống kê có trên 1.200 tàu cá không ra khơi, tàu cá nằm bờ có thể còn tăng cao nếu giá xăng dầu không giảm nhiệt.

TP Sầm Sơn là một trong những địa phương có nhiều phương tiện đánh bắt hải sản nhất tỉnh Thanh Hóa, với hơn 1.700 phương tiện. Thế nhưng, kể từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tới nay, số lượng tàu thuyền ra khơi rất ít, chủ yếu nằm bờ.

Tàu cá ngư dân Thanh Hóa nằm bờ do giá xăng dầu tăng phi mã.

Cảng cá Lạch Hới (phường Quảng Tiến) cách cửa biển Sầm Sơn khoảng 2-3 km, khác với những năm trước bởi thời điểm sau Tết, tàu thuyền thường rời bến tỏa đi khắp các ngư trường để khai thác thủy sản. Thế nhưng, thời điểm này hầu hết tàu thuyền vẫn “nằm phơi mình” ở cảng, không có cảnh tấp nập kẻ bán người mua thường thấy. Thực trạng này không chỉ xuất hiện ở Sầm Sơn mà dọc các cảng cá lớn của Thanh Hóa như: Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn), Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa), Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) cũng rơi vào cảnh tượng tương tự.

Không giấu được vẻ mặt buồn bã, anh Trần Văn Thuận (ngụ phường Quảng Tiến) cho biết nguyên nhân ngư dân “treo thuyền” là do không thể kham nổi khi giá xăng dầu tăng quá cao. Theo anh Thuận, anh đã theo nghề này cũng hơn 20 năm, thế nhưng chưa thấy khi nào nghề đi biển lại cơ cực như vài năm trở lại đây.

“Dịch bệnh bủa vây, lao động ngày càng khan hiếm, không mặn mà đi biển, nguồn lợi thủy sản cạn dần, đặc biệt là sau Tết, giá dầu liên tục tăng cao nên các tàu không dám ra khơi, chấp nhận nằm bờ”- anh Thuận cho hay.

Trong số 1.200 tàu cá không thể ra khơi, có tới gần một nửa là tàu lớn, đánh bắt xa bờ.

Ngư dân Trần Văn Thuận có tàu cá 600 CV, mỗi chuyến vươn khơi khoảng 1 tháng, tàu của anh cần ít nhất từ 7-10 lao động và tiêu tốn trên 10.000 lít dầu/chuyến. Anh nhẩm tính tiền trả công cho mỗi chuyến đi mất gần 100 triệu, mà nhiều chuyến đang phải bù lỗ, giờ xăng dầu tăng cao không thua lỗ mới lạ.

“Trước Tết, khi giá dầu có khoảng 19.000 đồng/lít, giờ lên hơn 21.300 đồng/lít, thành thử, cứ mỗi chuyến ra khơi ngư dân chúng tôi lại mất thêm hàng chục triệu đồng, trong khi hải sản khan hiếm, giá lại không tăng. Nghề đi biển phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nên có chuyến được chuyến không, giá dầu cứ tăng thế này chỉ còn nước bỏ thuyền thôi”- anh Thuận nói.

Đang sửa chữa lại tàu ở cảng Hòa Lộc, anh Nguyễn Văn Vệ (ngụ thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc) cho biết tàu của gia đình đã neo ở cảng từ trước Tết nhưng đến nay chưa ra khơi, anh cũng không chắc khi nào tàu mới lại rời bến khi giá xăng dầu chưa hạ nhiệt.

Ngư trường ngày càng cạn kiệt, giá cả vật tư leo thang, cộng với giá xăng dầu tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến ngư dân không dám ra khơi.

“Giá dầu lên khiến tất cả các chi phí, các dịch vụ khác đều tăng cao, tàu lớn như chúng tôi “chết” hẳn, còn các tàu nhỏ đánh bắt gần bờ cũng “ngắc ngoải”. Chúng tôi đâu tư hàng tỉ đồng chỉ mong được ra khơi, chứ ai muốn thuyền phải nằm bờ nhưng kỳ thực giá dầu khiến chúng tôi rất lo lắng, vì càng ra khơi càng lỗ, giờ tạm thời ở nhà chờ giá dầu hạ nhiệt mới tính được”- anh Vệ nói và cho biết thêm rằng, xã Ngư Lộc có khoảng 70 tàu làm nghề mành chụp (câu mực) như của anh, thế nhưng do làm ăn thua lỗ, hiện giờ chỉ còn có hơn 10 chiếc ra khơi.

Ông Vũ Đình Chinh, Trưởng phòng Kinh tế TP Sầm Sơn cho biết địa phương hiện có 1.722 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có 208 tàu đánh bắt xa bờ (chiều dài từ 15 m trở lên). Tuy nhiên, hiện nay số tàu đánh bắt xa bờ ở Sầm Sơn không thể ra khơi lên tới 180 tàu. Ngoài ra, có 165 tàu vùng lộng và gần bờ cũng rơi vào cảnh tương tự.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Hòa Lộc, cho biết tại cảng có khoảng 40 tàu cá đánh bắt xa bờ không ra khơi, còn tại kênh De (xã Hải Lộc), số lượng tàu nằm bờ khoảng 80 chiếc. Theo ông Thăng, đây toàn là những tàu có công suất lớn, đánh bắt ở các ngư trường như Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa… “Tàu không ra khơi đã ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng đánh bắt. Thời điểm này năm trước, tàu thuyền gần như ra khơi hết, sản lượng rất lớn nhưng năm nay mới chỉ đạt được 37-40%”- ông Thăng cho hay.

Nhiều ngư dân ở Thanh Hóa cho biết thời điểm này đang là mùa đánh bắt, nhưng nhiều tàu cá không dám mạo hiểm, đánh cược với rủi ro.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa, cho biết toàn tỉnh hiện có 6.694 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có 1.172 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại là tàu vùng lộng và gần bờ.

“Theo báo cáo từ các huyện, thị, TP thì toàn tỉnh hiện có 1.200 tàu không hoạt động khai thác thủy sản, trong đó có 555 phương tiện đánh bắt xa bờ (trên 15 m), chiếm 47,4% tàu đánh bắt xa bờ toàn tỉnh. Nguyên nhân tàu cá nằm bờ được là do giá xăng dầu và chi phí vật tư đầu vào tăng mạnh. Hiện chúng tôi đang tổng hợp báo cáo lãnh đạo sở trình Tỉnh ủy xem xét báo cáo Bộ Công Thương xem xét”- ông Cường nói.