“Giá trị của nước”

BVR&MT – Ngày Nước Thế giới năm nay (22/3/2021) được kỷ niệm với chủ đề là “Giá trị của nước” tập trung vào việc tôn vinh giá trị của nước và nâng cao nhận thức cộng đồng về cuộc khủng hoảng nước toàn cầu, với trọng tâm cốt lõi là thúc đẩy các hành động để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững số 6: Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Ngày Nước Thế giới năm nay (22/3/2021) được kỷ niệm với chủ đề là “Giá trị của nước”.

Ngày Nước Thế giới được kỷ niệm vào ngày 22/3 hàng năm nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nước, vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt.

Vào năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về môi trường và phát triển (UNCED) khuyến cáo cần có một ngày quốc tế dành cho nguồn nước ngọt. Ngày 22/12/1992, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố lấy ngày 22/3/1993 để kỷ niệm Ngày Nước Thế giới lần đầu tiên.

Nước là trung tâm của phát triển bền vững. Nguồn tài nguyên nước, cũng như các dịch vụ mà nước có thể cung cấp, góp phần giảm thiểu nghèo đói, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Từ dinh dưỡng và an ninh năng lượng cho tới sức khỏe của con người và môi trường, nước góp phần cải thiện đáng kể sự thịnh vượng của xã hội và phát triển bình đẳng, tác động tới sinh kế của hàng tỷ người dân trên trái đất.

Nước là một nhân tố thiết yếu của cuộc sống. Nó không chỉ có vai trò sống còn đối với sức khỏe, mà còn góp phần tạo ra việc làm khi đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội và con người.

Ngày Nước Thế giới năm nay (22/3/2021) được kỷ niệm với chủ đề là “Giá trị của nước” tập trung vào việc tôn vinh giá trị của nước và nâng cao nhận thức cộng đồng về cuộc khủng hoảng nước toàn cầu, với trọng tâm cốt lõi là thúc đẩy các hành động để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững số 6: Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Chủ đề của Ngày Nước Thế giới năm nay nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị của tài nguyên nước về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội; tăng cường các giải pháp hiệu quả bảo vệ nguồn nước trước áp lực của các hoạt động phát triển và biến đổi khí hậu. Thực tế đã chỉ rõ nước có giá trị to lớn và phức hợp đối với mỗi hộ gia đình, thực phẩm, văn hóa, sức khỏe, giáo dục, kinh tế và sự toàn vẹn của môi tường tự nhiên. Nếu bỏ qua bất kỳ giá trị nào trong số này, chúng ta có nguy cơ quản lý sai nguồn tài nguyên hữu hạn và không thể thay thế này. Nếu không có sự hiểu biết toàn diện về giá trị thực sự, đa chiều của nước, chúng ta cũng sẽ không thể bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này vì lợi ích của tất cả mọi người.

1/5 trẻ em trên thế giới không có đủ nước

Trong một thông cáo báo chí mới công bố, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết trên toàn cầu có hơn 1,42 tỷ người – trong đó có 450 triệu trẻ em – sống ở các khu vực có mức độ dễ bị tổn thương về nước cao hoặc cực kỳ cao. Điều này có nghĩa là 1/5 trẻ em trên thế giới không có đủ nước cho cuộc sống hàng ngày.

Trong một phân tích được công bố tuần trước, UNICEF xác định các khu vực nơi khan hiếm nước vật lý cùng tồn tại với mức độ thấp các dịch vụ cần thiết để sử dụng. Cư dân của những khu vực này phụ thuộc vào nguồn nước mặt, các điểm nước chưa được cải tạo hoặc các điểm nước nằm cách nhà của họ hơn 30 phút.

“Cuộc khủng hoảng nước toàn cầu không chỉ lờ mờ ở phía chân trời; nó đã ở đây, và biến đổi khí hậu sẽ chỉ làm cho nó tồi tệ hơn” – Giám đốc diều hành UNICEF Henrietta Fore nói. “Trẻ em là nạn nhân đầu tiên. Khi giếng cạn nước là lúc lũ trẻ nghỉ học đi lấy nước. Khi thiếu ăn vì khô hạn, trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc. Khi có lũ lụt, trẻ em mắc các bệnh lây truyền qua đường nước. Và khi nguồn nước cạn kiệt, trẻ em không thể rửa tay để bảo vệ mình khỏi bệnh tật”.

Dữ liệu của UNICEF cũng cho thấy trẻ em ở hơn 80 quốc gia sống trong các khu vực có nguy cơ cao hoặc cực kỳ cao bị tổn thương do nước. Tỷ lệ trẻ em sống ở những khu vực này cao nhất ở Đông và Nam Phi, với hơn một nửa (58%) trẻ em ở những khu vực này gặp khó khăn trong việc tiếp cận đủ nước mỗi ngày. Tiếp theo là Tây và Trung Phi (31%), Nam Á (25%) và Trung Đông (23%). Nam Á có số trẻ em sống trong các khu vực dễ bị tổn thương do nước cao và cực kỳ cao nhất: hơn 155 triệu.

Tại 37 quốc gia, tình hình đặc biệt nghiêm trọng khi xét đến số lượng và tỷ lệ tuyệt đối trẻ em bị ảnh hưởng bởi vấn đề và các lĩnh vực cần huy động nguồn lực, hỗ trợ và hành động khẩn cấp của cộng đồng quốc tế. Danh sách này bao gồm: Afghanistan, Burkina Faso, Ethiopia, Haiti, Ấn Độ, Kenya, Niger, Nigeria, Pakistan, Papua New Guinea, Sudan, Tanzania và Yemen.

Mặc dù tác động của tình trạng khan hiếm nước có thể được cảm nhận bởi bất cứ ai, nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và phải chịu đựng nhiều nhất.

Tình trạng khan hiếm nước diễn ra phổ biến ở châu Phi

Các giải pháp cụ thể ngay từ bây giờ để chấm dứt cuộc khủng hoảng về nước trên thế giới

Trong cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về nước và phát triển bền vững diễn ra mới đây, Chủ tịch Đại hội đồng Volkan Bozkir nhắc lại rằng “nước là một phần không thể thiếu của phát triển bền vững, nhưng chúng ta đang đi sau các mục tiêu đã đặt ra”.

Các ước tính hiện tại cho thấy 2,2 tỷ người, hay gần 1/3 dân số thế giới, tiếp tục không được tiếp cận với nguồn nước uống được quản lý an toàn; 4,2 tỷ người, hoặc hơn một nửa dân số hành tinh, sống mà không có hệ thống vệ sinh được quản lý an toàn; 2 tỷ người không có nhà vệ sinh tươm tất cho riêng mình; và 3 tỷ người thiếu các thiết bị rửa tay cơ bản.

Theo ông Bozkir, “thật là một sự thất bại về mặt đạo đức khi sống trong một thế giới có mức độ thành công và đổi mới kỹ thuật cao như vậy, mà lại khiến hàng tỷ người không có nước sạch và các phương tiện cơ bản để rửa tay”, và “đây là một thất bại toàn cầu có ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả chúng ta”.

Trong bối cảnh đó, ông kêu gọi hành động để khắc phục tình trạng bất bình đẳng sâu sắc này bằng cách tập trung vào các hành động cụ thể và thiết thực. Đặc biệt, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhiều hơn về tài chính và nâng cao năng lực cho các hoạt động liên quan đến nước và vệ sinh, đặc biệt là thông qua hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19, trong đó cần ưu tiên các nước nghèo nhất. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc về nước cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác chặt chẽ với các nhóm xã hội và với những người trẻ tuổi để tăng cường các mục tiêu và hoạt động liên quan đến nước.

Về phần mình, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed cũng cho rằng “việc huy động sự hỗ trợ để đối mặt với khủng hoảng nước là điều cần thiết để thực hiện toàn bộ Chương trình Phát triển bền vững đến năm 2030”. Bà nêu rõ: “Như báo cáo tiến bộ về Nước mới nhất của Liên hợp quốc nêu rõ, thế giới đang không đạt được các mục tiêu của Mục tiêu Phát triển Bền vững 6 vào năm 2030” và “để đạt được khả năng tiếp cận phổ cập với nước và vệ sinh, tốc độ tiến bộ hiện tại phải tăng gấp 4 lần”.

Bà Mohammed lưu ý rằng các mối đe dọa liên quan đến nhau của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm sẽ làm gia tăng tình trạng khan hiếm nước. “Đại dịch COVID-19 đã nhắc nhở chúng ta một cách mạnh mẽ rằng nước và vệ sinh là một trong những chìa khóa để chống lại các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, 3 tỷ người, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và các nước kém phát triển nhất, không có các thiết bị rửa tay cơ bản tại nhà” – bà nói.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh ba điều bắt buộc. Đầu tiên, bà kêu gọi các quốc gia sử dụng các kế hoạch phục hồi sau COVID-19 để đầu tư vào các mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận nước và vệ sinh. Thứ hai, bà kêu gọi các chính phủ gia tăng tham vọng hành động vì khí hậu. Thứ ba, bà Amina Mohammed nêu rõ cần phải có sự tham gia của nhiều phụ nữ ra quyết định hơn.

Việt Nam chú trọng phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước

Sự phát triển bền vững của một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có bảo đảm an ninh nguồn nước. Chính vì vậy, quản lý tài nguyên nước đóng một vai trò hết sức quan trọng, là nhân tố hàng đầu bảo đảm phát triển bền vững nguồn nước cho phát triển bền vững kinh tế – xã hội nói chung.

Việt Nam là một trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng, tập trung mạnh nhất ở hai khu vực sản xuất lúa gạo và sản phẩm thủy sản chủ yếu của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Trước những thách thức về an ninh nguồn nước, các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước, tiến tới ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt bảo đảm khai thác, bảo vệ có hiệu quả các nguồn nước, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã đặc biệt chú trọng đến việc phát triển bền vững nguồn tài nguyên này. Công tác quản lý tài nguyên nước Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việt Nam đã coi bảo vệ và quản lý nguồn nước là một nội dung quan trọng trong các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán của Việt Nam và được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản quy phạm pháp luật. Luật Tài nguyên nước năm 2012 – văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực tài nguyên nước đã thể chế các quy định, biện pháp cụ thể để thực hiện phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước trong các hoạt động quy hoạch, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra…

Đồng thời, Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp hiệu quả trên bình diện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, từ khuôn khổ song phương, tiểu vùng, liên khu vực và toàn cầu. Việt Nam cũng tích cực tham gia các cơ chế hợp tác ASEAN về quản lý nguồn nước, hợp tác APEC về ứng phó với thiên tai, đồng sáng kiến Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về quản lý nguồn nước giữa các quốc gia ven sông Mekong và Danube…

Tại Việt Nam, hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới trên phạm vi toàn quốc; qua đó, tạo được phong trào hưởng ứng sôi nổi tại các địa phương trên cả nước.

Trong thời gian tới, trước các diễn biến khó lường của thời tiết và biến đổi khí hậu, nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước, hạn hán là không thể loại trừ, đòi hỏi chúng ta cần tăng cường năng lực dự báo, quan trắc, cảnh báo sớm về tài nguyên nước để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra; đồng thời cần tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước ở Trung ương và địa phương, để bảo đảm bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này./.