Gia Lai: Nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho đồng bào DTTS

BVR&MT – Huyện Chư Sê (Gia Lai) có gần 50% dân số là người DTTS, nhiều bà con sống ở các làng xa xôi nên ý thức chấp hành về ATGT còn hạn chế. Vì vậy, huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức, để người dân vùng DTTS tích cực chấp hành pháp luật về giao thông, góp phần đẩy lùi tai nạn giao thông trên địa bàn.

Lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông.

Lâu nay, tình trạng người dân điều khiển phương tiện mô tô tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi đang diễn ra ở một số địa phương và vẫn còn tiếp diễn. Đặc biệt, tại một số thôn làng vùng đồng bào DTTS, nhiều thanh thiếu niên còn tụ tập, độ chế xe, nẹt pô gây mất an toàn giao thông (ATGT) và làm ảnh hưởng an ninh trật tự. Cùng với đó, là sự gia tăng các phương tiện giao thông như xe máy, công nông, xe đầu kéo… tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, nhưng ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân vẫn còn nhiều hạn chế.

Đơn cử như xã Kông Htok với gần 3.000 hộ dân, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 60%. Những năm trước, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm các lỗi như điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, độ chế xe, không đội mũ bảo hiểm, lái xe công nông chở người… tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Đang di chuyển ì ạch bằng chiếc công nông chất đầy nông sản cùng 4 người trên xe, ông Đinh Hoan, làng Dơ Nông Ó, xã Kông Htok, đã bị lực lượng cảnh sát giao thông huyện yêu cầu dừng để kiểm tra. Ông Đinh Hoan giãi bày: “Do tiện đường chở nông sản thì mình chở người nhà làm trong rẫy về cùng luôn. Mình biết đây là vi phạm pháp luật rồi, nên lần sau sẽ không chở người nữa. Nhờ có lực lượng Công an giải thích, nhắc nhở, mình sẽ nghiêm chỉnh chấp hành để bảo đảm an toàn cho mình và mọi người”.

Thời gian qua, lực lượng Công an huyện Chư Sê đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền thực hiện ATGT bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền bằng giấy, pa-nô; xây dựng các phóng sự về ATGT chiếu tới tận các xã cho người dân, tranh thủ các già làng, Người có uy tín để cùng tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về ATGT và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đồng bào DTTS, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về giao thông…

Lực lượng chức năng tuyên truyền ATGT tại các xã, thôn làng vùng DTTS.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Kông Htok, huyện Chư Sê, cho biết: “Chính quyền địa phương luôn phối hợp Công an huyện lồng ghép tuyên truyền ATGT tại các xã, thôn làng vùng DTTS, đặc biệt các đối tượng là thanh thiếu niên. Cùng với đó, xã thực tuyên truyền bằng tiếng địa phương, video pano áp phích, loa đài đi phát ở các thôn làng. Nhờ vậy, trên địa bàn xã không xảy ra trộm cắp và tai nạn giao thông, tình hình an ninh trật tự, ATGT được giữ vững”.

Cùng với đó, UBND huyện Chư Sê cùng các đơn vị liên quan, trong đó lực lượng Công an các cấp giữ vai trò chủ công tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm đảm trật tự ATGT trên địa bàn. Nhờ vậy, công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn, đặc biệt là vùng DTTS đã giảm. Theo thống kê, số vụ vi phạm hình sự trong năm 2021 đã giảm xuống còn 46 vụ (giảm 16 vụ so với năm 2020).

Trung tá Nguyễn Minh Tuấn – Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông trật tự Công an huyện Chư Sê, cho biết: Thực hiện kế hoạch cao điểm phòng chống tội phạm, Công an huyện Chư Sê đã tham mưu cho đơn vị triển khai tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện tập trung xử lý các địa bàn trọng điểm trên các giờ cao điểm. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, lực lượng Công an giao thông đã bắt giữ nhiều phương tiện vi phạm. Trong đêm giao thừa Tết Nguyên Đán đã xử lý nghiêm và bắt giữ 52 phương tiện. Trong đó, có 19 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe. Nhờ kịp thời triển khai lực lượng, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm giao thông, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, huyện Chư Sê đã đón Tết an toàn, ấm áp.

Ngoài việc xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, chúng tôi đã thực hiện tuyên truyền giáo dục trong các xã, làng đồng bào DTTS. Đặc biệt, thông qua thông tin đại chúng, phương tiện truyền thông, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là cho các đối tượng là thanh, thiếu niên, đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng dân tộc; phối hợp, kiểm tra, kiểm soát phương tiện vi phạm; có hình thức xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm.