Gia Lai lấy phát triển kinh tế là trọng tâm để giảm nghèo bền vững

BVR&MT – UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung, giải pháp của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, nội dung truyền thông tập trung tuyên truyền những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình và các nội dung nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, văn bản các cấp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững với phương pháp và cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận, góp sức chung tay vì người nghèo; khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng; lấy phát triển kinh tế là trọng tâm để giảm nghèo bền vững; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân…

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 giúp người dân xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) làm hàng rào. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cùng với đó, đổi mới, thúc đẩy hiệu quả, chất lượng thực hiện phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì người nghèo”, khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, nhất là vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của hộ nghèo.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác giảm nghèo. Thực hiện các chương trình truyền thông, vận động người dân vùng nghèo, vùng khó khăn, biên giới hiểu rõ, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, cơ chế giảm nghèo, an sinh xã hội; chuyển đổi phương thức canh tác, sản xuất theo hướng khoa học, phát triển chuỗi giá trị, tăng cường gắn kết quân dân, gắn kết phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng thế trận lòng dân, quốc phòng và an ninh nhân dân.Đồng thời, truyền thông về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Hình thức truyền thông được tiến hành đa dạng như: thông qua phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh tới cơ sở; tổ chức các cuộc thi báo chí, thi văn hóa, văn nghệ; hội nghị, hội thảo; các cuộc vận động, phong trào thi đua…; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông; tổ chức đối thoại về chính sách giảm nghèo; in ấn, phát hành tờ rơi, tài liệu, các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông…

Tỉnh Gia Lai xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý phối hợp trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng yếu thế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.