Gia Lai huy động mọi nguồn lực, tháo gỡ khó khăn để bảo vệ rừng

BVR&NT – Tỉnh Gia Lai hiện có 723.156,38 ha rừng, trong đó, rừng phòng hộ 150.374,48 ha, rừng đặc dụng 82.208,33 ha, rừng sản xuất 490.573,57 ha. Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo vệ diện tích rừng hiện có.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Hra (Mang Yang, Gia Lai) tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng đảm bảo công tác giữ rừng. Ảnh tư liệu: Hồng Điệp/TTXVN

Còn nhiều khó khăn

Tỉnh Gia Lai đặc biệt chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng. Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm. Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều tồn tại, hạn chế, cần khắc phục.

Theo thống kê của tỉnh Gia Lai, hiện biên chế của địa phương này trong lĩnh vực lâm nghiệp rất thấp. Ông Nguyễn Văn Huân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, Nghị định số 119/2006/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của lực lượng Kiểm lâm quy định, cứ 1.000 ha rừng có một biên chế kiểm lâm. Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh hơn 631.281 ha nhưng biên chế của Chi cục Kiểm lâm là 324 công chức. Số biên chế này quá ít so với yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong tình hình mới.

Mặt khác, Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang gánh vác khối lượng công việc khá nặng, phải hoạt động ở môi trường xa xôi, địa hình hiểm trở, làm việc không có giờ giấc, chế độ chính sách còn quá thấp. “Đây là nguyên nhân khiến trong gần 2 năm trở lại đây có 23 viên chức làm công tác quản lý bảo vệ rừng tại các ban quản lý rừng phòng hộ xin nghỉ việc”, ông Nguyễn Văn Huân bày tỏ.

Đối với vấn đề thu hồi đất rừng bị lấn chiếm hiện nay tại Gia Lai, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đa số diện tích đất rừng bị lấn chiếm để làm nương rẫy là của người dân tộc thiểu số địa phương nên gặp khó khăn trong việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng.

Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất rừng bị lấn chiếm được người dân sản xuất nương rẫy ổn định, lâu đời và trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều…; diện tích đất rừng bị lấn chiếm làm nương rẫy nằm rải rác, đan xen trong rừng; việc xâm canh từ nơi khác tới khó khăn cho công tác thống kê, rà soát, xác định chủ thể sử dụng đất.

Việc thiếu kinh phí trong triển khai đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông – lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng khiến công tác quản lý, thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm chưa đạt được kết quả khả quan.

Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 – 2020, mức hỗ trợ các công ty lâm nghiệp tạm dừng khai thác giai đoạn 2014 – 2020 là 200 ngàn đồng/ha/năm đến nay không còn phù hợp khiến nhiều công ty lâm nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động, bảo vệ rừng…

Để rừng phát triển bền vững

Để quản lý, bảo vệ diện tích rừng đang có, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, tạo nguồn thu từ rừng…, tỉnh Gia Lai đã và đang xây dựng chiến lược rõ ràng. Đồng thời, tỉnh có kiến nghị để làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian tới.

Một trong những chiến lược có thể tận dụng tiềm năng của rừng đối với phát triển kinh tế, xã hội là xây dựng tín chỉ Carbon rừng. Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, theo Công văn số 1986/VP-NL ngày 27/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đánh giá cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tín chỉ Carbon theo Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Gia Lai, Sở đã đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình LEAF của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mặt khác, Sở phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng Dự thảo Đề cương Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Đánh giá tín chỉ Carbon rừng của tỉnh Gia Lai tham gia vào Chương trình chuyển nhượng giảm phát thải rừng cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ…

Tuy nhiên, theo ông Lưu Trung Nghĩa, tín chỉ Carbon là vấn đề mới, mang tính chất cam kết giao dịch quốc tế, chưa có quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam nên các địa phương trong cả nước còn lúng túng, chưa thực hiện nhiều dự án trong lĩnh vực này.

Để công tác bảo vệ và phát triển rừng đạt hiệu quả cao nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Trương Văn Đạt cho rằng, Chính phủ cần ban hành cơ chế đặc thù trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với địa phương có diện tích rừng lớn như Gia Lai để có nguồn lực thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đảm bảo thu nhập cho người dân sống gần rừng, liền rừng. Cùng với đó là nghiên cứu ban hành Nghị định về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong Lâm nghiệp; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp đối với diện tích rừng có mức chi trả dịch vụ môi trường rừng lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho khoán bảo vệ rừng.

Đặc biệt, tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét lại mức hỗ trợ kinh phí để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên của các công ty lâm nghiệp phải tạm dừng khai thác theo Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất Chính phủ tăng từ 100.000 đồng/ha/năm lên 500.000 đồng/ha/năm về kinh phí hỗ trợ cho ngân sách xã để tổ chức quản lý, bảo vệ rừng đối với diện tích rừng do Ủy ban nhân dân xã trực tiếp quản lý. Tỉnh đề xuất nghiên cứu, ban hành quy định chế độ của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tương đồng với chế độ của lực lượng Kiểm lâm tại các tỉnh có diện tích rừng lớn như Gia Lai…