Giá dầu tiếp tục phục hồi mạnh nhờ đồng USD suy yếu

BVR&MT – Trong phiên giao dịch chiều 18/8, giá dầu duy trì đà tăng mạnh từ phiên trước do dư thừa nguồn cung dầu đang được thu hẹp dần và đồng USD mất giá đã hỗ trợ tích cực cho thị trường năng lượng thế giới.

Dầu tiếp tục phục hồi mạnh nhờ đồng USD suy yếu.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 6 xu Mỹ, lên mức 51,09 USD thùng, song dự báo vẫn giảm 2% tính chung trong tuần. Giá dầu ngọt nhẹ WTI được giao dịch với giá 47,2 USD/thùng, tăng 11 xu Mỹ, và tính chung giảm hơn 3% trong tuần này.
Tamas Varga – chuyên gia phân tích cao cấp của công ty môi giới Dầu PVM Associates của London cho biết: “Các cổ phiếu của thị trường chứng khoán Mỹ giảm đang hỗ trợ tích cực cho thị trường năng lượng và nhu cầu xăng dầu của Mỹ gia tăng cũng giúp đẩy giá dầu đi lên”.
Bên cạnh đó, việc đồng USD giảm giá mạnh cũng là lực đẩy quan trọng cho giá dầu. Giá dầu đã chịu sức ép trước hoạt động bán tháo trên các thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á khi giới đầu tư bày tỏ sự nghi ngại về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hoàn tất chương trình nghị sự kinh tế của mình.
Trong phiên này, giá dầu chịu sức ép từ các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á giảm điểm do giới đầu tư tỏ ra nghi ngờ về việc hoàn tất các chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Trump như giảm thuế, tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Việc giải tán 2 hội đồng cố vấn về kinh tế của ông Trump với nhiều người là các CEO của các tập đoàn lớn càng khiến giới đầu tư có lý do nghi ngờ về các chương trình nghị sự về kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn đứng vững và tiếp tục phục hồi mạnh do số liệu cho thấy nguồn cung thu hẹp dần đang xuất hiện tại Mỹ, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Bất chấp sản lượng tăng vọt 13% kể từ giữa năm 2016 lên 9,5 triệu thùng/ngày, tồn kho dầu thô thương mại của nước này đã giảm 13% từ mức kỷ lục tháng 3 xuống mức thấp năm 2016.
Trong tương lai, giá dầu sẽ phụ thuộc vào mức sản lượng từ Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với các nhà sản xuất khác như Nga đã cam kết hạn chế sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày đến hết quý I/2018 để hạn chế thị trường và hỗ trợ giá.
Cho đến nay, sản lượng của OPEC và Nga vẫn cao do một số thành viên cam kết cắt giảm sản lượng nhưng không tuân thủ các mục tiêu của họ.