BVR&MT – Tình hình khan hiếm cát xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng nên UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị kêu gọi các tỉnh hỗ trợ nguồn cung.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trong quý II năm 2017, giá cát có chênh lệch lớn giữa các địa bàn tại thành phố, có nơi tăng đột biến lên đến 560.000 đồng/m³ cát vàng, 436.364 đồng/m³ cát xây tô, 231.818 đồng/m³ cát san lấp (giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Ngoài ra, Sở Xây dựng các tỉnh lân cận cũng thông tin cho biết giá cát đều có nhiều biến động theo chiều hướng tăng cao.
Trong khi đó, ghi nhận giá thị trường tại TP. Hồ Chí Minh ngày 7/7 cho thấy, giá cát xây dựng hiện đang có xu hướng chững lại. Chẳng hạn, giá cát vàng vận chuyển trực tiếp từ thuyền lên bờ dao động từ 530.000 – 550.000 đồng/m³, cát san lấp (cát đen) giá 220.000 – 250.000 đồng/m³…
Trước đó, báo cáo giá vật liệu xây dựng quý 1, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết cát nghiền rửa có giá 194.912 đồng/m³, cát xây tô tại quận 7 có giá 200.000 đồng/m³, tại quận 11 có giá 150.000 đồng/m³, tại quận Tân Bình có giá 254.545 đồng/m³, tại quận Tân Phú có giá 227.273 đồng/m³, tại huyện Nhà Bè có giá 190.909 đồng/m³ và tại quận 8 có giá 209.091 đồng/m³.
Theo các chủ vựa cát xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn giá cát tăng vừa qua là do cấm khai thác cát nhiều nơi, trùng với thời điểm các công trình đẩy mạnh việc xây dựng để vào mùa nghiệm thu và quyết toán trong quý 2. Lợi dụng cơ hội đó, các chủ mỏ “bắt tay” với sà lan đẩy giá tạo nên cơn “sốt cát”. Sang quý 3, do thời tiết mưa nhiều, các nhà thầu xây dựng hoạt động cầm chừng và chờ thanh toán tiền nên giá cát hạ xuống, phải đến cuối năm việc xây dựng mới rộn ràng trở lại.
Để giảm nhiệt giá cát và bình ổn thị trường, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện một số giải pháp trước mắt và lâu dài. Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện kiểm tra chất lượng cát xây dựng trên địa bàn thành phố năm 2017. Sau khi kiểm tra, tổng hợp các bảng niêm yết giá của các doanh nghiệp để chuyển Sở Tài chính nghiên cứu, chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với các đơn vị có giá cát có biến động bất thường.
Nhằm hạn chế các tác động xấu về môi trường do khai thác cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về các nghiên cứu, giải pháp ứng dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên trong xây dựng công trình đã được nghiệm thu đạt yêu cầu. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp chống các hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường trong hoạt động kinh doanh cát trái quy định của pháp luật nhằm tránh tình trạng ghim hàng, đẩy giá lên cao. Sở Khoa học và Công nghệ đưa vào danh sách đặt hàng các đề tài nghiên cứu, giải pháp ứng dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên trong xây dựng công trình.
Đặc biệt, để giải quyết quyết nguồn cung cấp cát cho nhu cầu cấp bách về xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết. Theo đó, đề nghị UBND 19 tỉnh miền Đông và Nam bộ chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh này yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác mỏ cát còn thời hạn khai thác, hỗ trợ tăng cường nguồn cung để nhanh chóng ổn định thị trường xây dựng của thành phố.
Để đối phó với tình trạng tăng giá cát, một số người dân cũng đã đặt mua cát ở tỉnh bạn thay vì mua cát tại TP. Hồ Chí Minh. Anh Lê Đình Phú, ngụ ở quận 9 cho biết: “Tôi đang xây nhà, nhưng thấy giá cát xây dựng tại thành phố quá cao nên tôi đã đặt mua cát xây dựng tại quê mình (Bình Thuận). Giá cát vàng tại đây chỉ khoảng 200.000 – 250.000/m³, nếu tính thêm chi phí chuyên chở vào tới thành phố cũng chỉ khoảng 300.000 – 350.000 đồng/m³, thấp hơn được một nửa”.