Gắn thiết bị vệ tinh giúp theo dõi quá trình di cư của loài vẹt ở Mexico

BVR&MT – Vẹt mỏ dày, nổi tiếng với tiếng kêu khàn khàn, là loài có nguy cơ tuyệt chủng đặc hữu của Mexico. Tình trạng khai thác gỗ trái phép trong những năm gần đây đã dẫn đến sự suy thoái môi trường sống của chúng. Các nhà khoa học và nhà bảo tồn đã triển khai việc đeo “ba lô” vệ tinh nhẹ chứa máy phát để nghiên cứu và tìm hiểu mô hình di cư của loài vẹt này.

Khi James Sheppard bắt đầu đeo những chiếc “ba lô” nhỏ được gắn máy phát vệ tinh để theo dõi loài vẹt mỏ dày đang có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2019, nhiều ý kiến khá nghi ngại về tính hiệu quả của phương pháp này. Một nhà cung cấp mà ông làm việc cùng thậm chí còn từ chối bán máy phát cho ông vì cho rằng đó có thể là một nỗ lực vô ích.

Vẹt mỏ dày (Rhynchopsitta pachyrhyncha) được đặt tên theo cái mỏ lớn và chắc khỏe mà chúng dùng để bẻ quả thông và vỏ hạt. “Chúng tôi nghĩ rằng chúng sẽ xé toạc nó [máy phát] ra ngay lập tức”. Sheppard, nhà khoa học về sinh thái phục hồi tại Liên minh Động vật hoang dã Vườn thú San Diego (SDZWA) chia sẻ. Tuy nhiên, Sheppard đã nhìn thấy một cơ hội khi một con chim đơn độc được đưa vào SDZWA từ một cơ sở khác. Trong khi con chim đang bị cách ly, anh đã gắn chiếc “ba lô” vào nó. Anh rất ngạc nhiên khi con chim “phớt lờ thứ được gắn lên mình và tiếp tục ăn một ít hạt thông. Quá trình này diễn ra trong vài tuần”.

Bốn năm sau, nhóm nghiên cứu tại SDZWA cùng các đối tác tại tổ chức phi chính phủ bảo tồn Mexico Organización Vida Silvestre (OVIS) đã triển khai việc đeo “ba lô” trên 57 cá thể vẹt mỏ dày. Đến nay, công nghệ này đã tạo ra hơn 71.000 điểm dữ liệu, giúp nhóm hiểu được mô hình di cư của loài chim này và xác định môi trường sống quan trọng của chúng để bảo vệ.

Dựa trên kho dữ liệu tuyệt vời từ chiếc máy phát đặc biệt, tháng 1/2024, Chính phủ Mexico đã công bố thành lập 43 khu bảo tồn mới, bao gồm một khu bảo tồn bảo vệ 418 ha môi trường sinh sản và làm tổ của loài vẹt. Dữ liệu từ các máy theo dõi đóng vai trò quan trọng trong việc xác định ranh giới của khu bảo tồn và củng cố lập luận bảo tồn khu vực này. Dữ liệu thời gian thực cũng giúp nhóm tại OVIS thực hiện một cuộc khảo sát về quần thể, phát hiện ra rằng quần thể loài chim này ở Mexico đã tăng 10%.

Các nhà khoa học đã triển khai “ba lô” vệ tinh nhẹ để nghiên cứu mô hình di cư của loài vẹt mỏ dày. Ảnh: Ernesto Enkerlin-Hoeflich/OVIS.

Vẹt mỏ dày là loài chim ôn đới hiện chỉ xuất hiện tự nhiên ở Mexico, mặc dù phạm vi phân bố lịch sử của chúng từng mở rộng đến tận phía Tây Nam Hoa Kỳ. Trong phạm vi Mexico, chúng chỉ phân bố giới hạn ở dãy núi Sierra Madre Occidental. Loài chim này di chuyển theo đàn và khá ồn ào, náo nhiệt. Tuy nhiên, nạn khai thác gỗ trái phép đã khiến môi trường sống của chúng bị suy giảm trong nhiều thập kỷ qua. Kết quả là các khu vực đóng vai trò trung tâm trong các giai đoạn khác nhau của toàn bộ vòng đời của loài chim, bao gồm cả làm tổ và kiếm ăn, đã nhanh chóng bị thu hẹp.

Trong khi SDZWA và OVIS hợp tác trong hơn ba thập kỷ để làm việc với các cộng đồng địa phương nhằm giúp bảo tồn các môi trường sống còn lại, nhóm nghiên cứu đã muốn có thêm dữ liệu để đưa ra các quyết định bảo tồn sáng suốt hơn. Trong khi các nhà nghiên cứu và thành viên cộng đồng địa phương biết nơi các loài chim dành thời gian của chúng trong mùa sinh sản, họ biết rất ít về nơi chúng di cư ra ngoài, do bản chất xa xôi và khó tiếp cận của địa hình.

Dữ liệu từ máy phát giúp nhóm nghiên cứu xác định các hành lang quan trọng cho sự di chuyển của loài vẹt mỏ dày, một loài chim có nguy cơ tuyệt chủng đặc hữu của Mexico. Ảnh: Ernesto Enkerlin-Hoeflich/OVIS.

Sheppard cho biết: “Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi có thể tận dụng lợi thế về kích thước và trọng lượng của máy phát để triển khai chúng một cách an toàn trên những loài chim này”. Những chiếc ba lô chạy bằng năng lượng mặt trời này nặng 9 gram, chứa các máy phát nhận dữ liệu từ hệ thống vệ tinh Argos và gần đây hơn là từ hệ thống GPS/GSM. Sử dụng dữ liệu thu thập được trong bốn năm qua, các nhà nghiên cứu đã có thể lập bản đồ chuyển động của các loài chim khi chúng bay xuống Sierra Madre Occidental đến nơi trú đông của chúng. Họ cũng đã tạo ra các mô hình giúp hình dung ra các hành lang di cư mà các loài chim sử dụng. Các mô hình này cũng giúp nhóm nghiên cứu có được thông tin chi tiết về mức độ quần thể, phạm vi cư trú theo mùa và cách các loài chim tương tác với nhau.

Sheppard cho biết dữ liệu này có gây ra một số bất ngờ. Tất cả các loài chim đều bay đi cùng nhau và theo cùng một đường di chuyển trong suốt quá trình di cư của chúng. “Thông tin quan trọng khác cần lưu ý là chưa đến 20% phạm vi sinh sống hiện tại của chúng được bảo vệ chính thức”, Sheppard cho biết.

Cả hai tổ chức hiện đang làm việc để sử dụng dữ liệu nhằm ủng hộ việc bảo vệ môi trường sống của các loài chim. “Với công nghệ này, chúng tôi thậm chí có thể biết chính xác chúng bay bao nhiêu km mỗi ngày và do đó, chúng tôi có thể can thiệp theo cách tốt hơn nhiều”, Enkerlin-Hoeflich khẳng định.

Trong khi công nghệ và sự hợp tác rộng hơn tập trung cụ thể vào loài vẹt, Sheppard cho hay công việc của họ không chỉ giới hạn ở loài chim. Ông cho biết, nỗ lực bảo vệ môi trường sống của loài vẹt mỏ dày sau đó sẽ dẫn đến việc bảo vệ môi trường sống cho các loài khác, như báo sư tử, chồn hôi và mèo rừng.

MP (Theo Mongabay)