Gắn khoa học công nghệ với phát triển kinh tế-xã hội

BVR&MT – Hơn 10 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, kinh tế-xã hội tỉnh Gia Lai đã có những bước tiến rõ rệt. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng các hộ dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ở tất cả các khâu: trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế biến và tiêu thụ. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu sẽ thành lập các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có liên kết theo chuỗi giá trị.

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở thành phố Pleiku, Gia Lai.

Thời gian qua, huyện Chư Sê đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời chú trọng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Dự án được triển khai trên diện tích 16,2 ha với 13 hộ dân tham gia trồng cà gai leo và hà thủ ô đỏ. Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh là đơn vị được lựa chọn để liên kết đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 2,65 tỷ đồng, trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ 648 triệu đồng, vốn hợp tác xã hơn 41 triệu đồng, người dân đóng góp gần 2 tỷ đồng. Đến nay, dự án đạt hiệu quả bước đầu, nhất là thành công trong trồng xen cà gai leo trong vườn cà-phê.

Nông dân Lê Hùng Vương (làng Khối Zét, xã Ia Tiêm) cho biết: Khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây cà gai leo. Sau 5-6 tháng, cà gai leo bắt đầu cho thu hoạch đợt 1. Cứ sau ba tháng, cà gai leo lại cho thu hoạch đợt tiếp theo và kéo dài trong ba năm. Mùa vụ trước, thu hoạch được gần 30 tấn cà gai leo khô. Với giá từ 60 đến 100 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh Vương thu lãi khoảng từ 40 đến 50 triệu đồng/ha/năm.

Nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, năm 2020, huyện Chư Sê đầu tư một tỷ đồng để thực hiện Dự án xây dựng vùng liên kết trồng dâu, nuôi tằm công nghệ cao. Dự án liên kết với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang để triển khai thực hiện trên địa bàn sáu xã với quy mô 50 ha. Khi tham gia Dự án, các hộ dân được hỗ trợ giống dâu, dụng cụ nuôi tằm, một phần giống tằm và được cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, chăm sóc, nuôi tằm, lấy kén… Qua một thời gian chăm sóc, người dân đã có thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng/tháng.

Theo Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, mỗi năm, huyện đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, huyện đã bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả kinh tế rõ rệt như vùng sản xuất dược liệu tập trung (các xã: Ia Hlốp, Ia Ko, Ia Glai, Chư Pơng, Hbông và thị trấn Chư Sê); vùng trồng dâu, nuôi tằm (xã Al Bá, Kông Htok, Chư Pơng, Ia Hlốp)…

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai cho biết, từ năm 2011 đến 2021, trên địa bàn tỉnh triển khai 106 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Thông qua các kết quả nghiên cứu, nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ nổi bật đã được đưa vào ứng dụng trong thực tế sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả cao. Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu triển khai và ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ vào đời sống sản xuất tại Gia Lai đã được quan tâm hơn, điều này được thể hiện rõ ràng thông qua việc bố trí ngân sách chi cho nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp huyện tăng qua các năm. Đặc biệt, năm 2021, chi gần 25,5 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với năm 2015. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đã thấm sâu vào hầu hết các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã có chuyển biến tích cực, thu hút được nhiều nguồn lực, tạo ra những sản phẩm, giống cây trồng năng suất, có giá trị, hiệu quả kinh tế cao mang tính chủ lực và đặc thù của địa phương như cà-phê, hồ tiêu. Các kết quả nghiên cứu đã giúp cho việc hoạch định chính sách sát với thực tiễn, phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Mới đây, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (Trường đại học Đà Lạt) đã thực hiện thành công việc nuôi đông trùng hạ thảo và chuyển giao thành công tại Công ty TNHH nấm dược liệu Gia Lai. Viện Nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã thành công trong việc sưu tập, phân lập, tuyển chọn các dòng nấm. Viện đã tiến hành các thí nghiệm nhằm tối ưu hóa môi trường nuôi trồng, tìm ra cách phối trộn các chất thích hợp cho việc nuôi trồng thu quả thể từ các loại hạt ngũ cốc và các nguồn dinh dưỡng sẵn có. Hướng đi này kỳ vọng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trong tỉnh Gia Lai cũng như cung cấp cơ sở cho việc nghiên cứu chuyên sâu loài nấm quý hiếm này.

Đánh giá công tác triển khai, ứng dụng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành ghi nhận những kết quả đã đạt được trên lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đồng thời, mong muốn ngành khoa học và công nghệ tỉnh cần kiện toàn Hội đồng khoa học và công nghệ các đơn vị, địa phương, bổ sung các chuyên gia đầu ngành vào Hội đồng để tham mưu đặt hàng, triển khai các nhiệm vụ phù hợp, đạt hiệu quả cao; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh, định hướng các nội dung nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong sản xuất, bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế tại Gia Lai.

Thời gian tới, tỉnh Gia Lai mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học cũng như các nhà khoa học trong công tác triển khai, ứng dụng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương.