Gắn kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trái cây ở Tiền Giang

BVR&MT – Toàn tỉnh hiện có trên 79.000ha vườn trồng nhiều loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh như bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, thanh long, sầu riêng… cho sản lượng mỗi năm trên 1,49 triệu tấn quả.

Áp dụng kỹ thuật bao trái xoài cát Hòa Lộc tại vùng chuyên canh huyện Cái Bè.

Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang có thế mạnh về trồng lúa năng suất cao, trồng cây ăn quả tiêu dùng và xuất khẩu.

Riêng về kinh tế vườn, toàn tỉnh hiện có trên 79.000ha vườn trồng nhiều loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh như bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, thanh long, sầu riêng… cho sản lượng mỗi năm trên 1,49 triệu tấn quả các loại.

Hiện nay, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, mãng cầu xiêm Tân Phú Đông, xoài cát Hòa Lộc Cái Bè… đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, được cả nước biết đến về chất lượng thơm ngon, được thị trường trong ngoài nước ưa chuộng.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng, để phát huy tiềm năng và thế mạnh kinh tế vườn quả, đóng góp vào sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội địa phương, đưa nông nghiệp-nông dân-nông thôn đổi mới theo hướng hiện đại, cùng với xây dựng vùng chuyên canh, áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học công nghệ để nâng chất lượng nông sản hàng hóa, chiếm lĩnh thị trường, địa phương còn quan tâm gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ nhằm giải quyết đầu ra theo hướng có lợi nhất cho nông dân.

“Thuận lợi của tỉnh là thời gian qua đã tích cực mở rộng mạng lưới thu mua, chế biến và tiêu thụ trái cây mạnh ở cả thị trường trong và ngoài nước. Thanh long bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Cai Lậy… là những loại trái cây đặc sản đang được xuất khẩu rộng sang nhiều nước trên khắp thế giới,” ông Lê Văn Hưởng cho biết

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, tỉnh có mạng lưới thu mua rộng khắp các vùng chuyên canh bao gồm: 150 cơ sở thu mua, sơ chế trái cây quy mô vừa và nhỏ, 42 hợp tác xã và tổ hợp tác chuyên doanh trái cây. Tiền Giang còn có 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động với công suất chế biến 47.000 tấn/năm.

Năm qua, tỉnh xuất khẩu được gần 21.000 tấn trái cây các loại, đạt 37,6 triệu USD, tăng trên 158% về lượng và tăng 176% về trị giá so với năm 2019; trong đó, thanh long chiếm trên 37%, sầu riêng 10%, chuối gần 4%, xoài gần 3%, còn lại là các nhóm trái cây khác.

Trong quí 1 năm nay, tỉnh đã xuất khẩu được 1.920 tấn với kim ngạch 3,9 triệu USD, tăng 12,6% về lượng và tăng20,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài thị trường Trung Quốc truyền thống, trái cây Tiền Giang nói chung gồm cả xuất tươi và sản phẩm chế biến đông lạnh còn được xuất sang nhiều nước trên khắp thế giới như thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, năm 2020 cũng là năm dự báo nhiều khó khăn đối với phát triển sản xuất nói chung mà đặc biệt là ngành hàng trái cây-thế mạnh của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ trái cây khó khăn do ảnh hưởng dịch bện COVID-19 và thiên tai hạn mặn làm suy giảm kinh tế toàn cầu.

Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các sở, ngành và địa phương phối hợp cùng các doanh nghiệp bàn giải pháp tiêu thụ nông sản trên địa bàn kể cả trong nước lẫn xuất khẩu.

Lãnh đạo địa phương đã tổ chức nhiều đoàn làm việc với các doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ trái cây, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu để có biện pháp đẩy mạnh giải quyết đầu ra cho trái cây tỉnh nhà.

Theo đó, Chương trình “đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ trái cây” được nhiều đơn vị như: Hệ thống siêu thị Big C, Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An… hưởng ứng tích cực, góp phần giải quyết tốt đầu ra cho trái cây Tiền Giang.

Thời gian tới, để gắn kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ mặt hàng trái cây, đóng góp nhiều hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế-xã hội thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tiền Giang coi trọng tổ chức lại quan hệ sản xuất mới trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong quá trình thâm canh nhằm tạo đột phá về sản xuất. Từ đó, nâng chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; đồng thời, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Đặc biệt, tỉnh củng cố, nâng chất mạng lưới 130 hợp tác xã nông nghiệp hiện có làm hạt nhân nòng cốt trong thực hiện chuỗi giá trị bền vững, liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân đảm bảo các đối tác liên quan cùng hưởng lợi./.